Vietstock - Đà nào tạo bước cho lãi suất leo thang?
Câu chuyện lãi suất tăng mạnh dịp cuối năm luôn là đề tài quan tâm muôn thuở của các nhà đầu tư. Tình hình kinh tế vĩ mô thế giới, chính sách trong nước bủa vây, vô hình tạo nên bước đà cho lãi suất leo thang.
Theo công bố của Tổng Cục Thống kê, tính đến ngày 20/9/2018, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 9.15%, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 9.52%. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng nói chung tương đối ổn định, mặc dù một số ngân hàng đã có động thái tăng lãi suất huy động nhưng mức độ tăng nhỏ, và nhiều chuyên gia dự báo tình hình lãi suất sẽ có xu hướng đi lên trong thời gian tới.
Hiện mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0.6%-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4.3%-5.5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5.3%-6.5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6.5%-7.3%/năm.
Mới đây, Vietcombank điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn ngắn, đây cũng là đợt điều chỉnh thứ 2 trong tháng 10. Cụ thể, người gửi tiền kỳ hạn 1-2 tháng sẽ được hưởng lãi suất 4.4%/tháng, tăng 0.1% so với trước; kỳ hạn 3 tháng là 4.8%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 5.5%/năm, các kỳ hạn này tăng thêm 0.2% so với trước… Cùng xu hướng, hồi đầu tuần, VietinBank đã tăng lãi suất tiền gửi huy động lên 0.2% ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống. Đơn cử như như lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng là 4.5%/năm, 3 tháng là 4.8%/năm và 6 tháng là 5.5%/năm.
Agribank cũng vừa nhập cuộc xu hướng tăng lãi suất tiền gửi. Theo biểu lãi suất mới nhất, Agribank cũng tăng từ 0.2-0.4% lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn. Mức lãi suất mới được ngân hàng này áp dụng kỳ hạn 1-2 tháng là 4.5%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 5%/năm và kỳ hạn 6 tháng là 5.5%/năm.
Lãi suất huy động ở các ngân hàng TMCP có phần nhỉnh hơn một chút so với NTHM Nhà nước. Techcombank tăng lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng từ 0.1-0.2%, kỳ hạn 1-2 tháng là 4.4%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 4.8%/năm và kỳ hạn 6 tháng là 5.5%/năm. Trong khi Sacombank chỉ tăng lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng thêm 0.1% lên 5.8%/năm thì Ngân hàng Quốc dân tăng lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên 7.4%/năm và 12 tháng lên 8%/năm.
Trong khi đó, lãi suất cho vay đồng Việt Nam phổ biến khoảng 6%-9%/năm đối với ngắn hạn và 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4%-5%/năm. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển hướng theo hướng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các dự án lớn.
Lãi suất huy động một số ngân hàng tính đến ngày 15/10/2018
|
Theo PGS.TS Trương Quang Thông – Trưởng Bộ môn Ngân hàng Quốc tế, Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng các ngân hàng tăng lãi suất huy động thời gian qua. Trước hết phải nói đến là áp lực của chính sách tỷ giá thả nổi có kiểm soát có thể là nguyên nhân đầu tiên buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải sử dụng công cụ lãi suất để ngăn chặn đầu cơ ngoại tệ.
Bên cạnh đó, áp lực giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% xuống còn 40% theo Thông tư 36/2014-TT-NHNN có thể là nguyên nhân thứ hai để các ngân hàng áp dụng chính sách lãi suất cao hơn cho các kỳ hạn từ 6 tháng, 9 tháng trở lên. Việc này có thể có tác động lôi kéo việc gia tăng lãi suất cho các kỳ hạn thấp hơn, và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.
Ngoài ra, nhu cầu mùa vụ cuối năm, theo truyền thống có thể là một nguyên nhân khác tác động đến việc tăng lãi suất, dù một số ngân hàng đã sử dụng phần lớn hạn mức tăng trưởng tín dụng. Việc NHNN bán ồ ạt đồng USD ra thị trường, để phục vụ mục tiêu tỷ giá, đồng nghĩa với việc phải rút một khối lượng VND tương ứng ra khỏi lưu thông có thể nhất thời tạo ra khan hiếm VND, từ đó làm lãi suất gia tăng.
Cuối cùng, do hạn chế về huy động vốn từ dân cư, nên nhu cầu vay vốn liên ngân hàng là một lựa chọn chẳng đặng đừng của các ngân hàng nhỏ. Trong khi đó, các Ngân hàng TMCP Nhà nước, cộng thêm Agribank, là nhóm ngân hàng dẫn đạo trên cả hai thị trường huy động vốn và cho vay, cũng đang có những động thái tăng lãi suất. Điều này chắc chắn sẽ kích thích thị trường lãi suất ngắn hạn gia tăng.
Theo ông Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, 3 nguyên nhân chủ yếu trên không chỉ là yếu tố thời vụ mà còn là nhu cầu. Và thêm một nguyên nhân nữa là lãi suất trên thế giới đặc biệt là USD tăng trong thời gian vừa qua.
Ông Lực cũng dự báo trong thời gian tới, lãi suất huy động vốn có thể có những biến động ở một vài thời điểm, còn lãi suất cho vay về cơ bản giữ ổn định. Đây thực ra là định hướng chung của Chính phủ, kể cả trong bối cảnh lãi suất đầu vào, lãi suất huy động và lạm phát tăng thì lãi suất cho vay vẫn phải giữ ở mức ổn định.
Những phân tích trên có thể giúp chúng ta hình dung khả năng sụt giảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong thời gian sắp tới. Đặc biệt thanh khoản liên quan đến nguồn huy động ngắn hạn.
Hàn Đông