Vietstock - 'Quốc bảo' Sâm Ngọc Linh thành hàng chợ, bán đầy trên mạng xã hội
Sâm Ngọc Linh được coi là "quốc bảo" của Việt Nam nhưng được bán tràn lan tại nhiều cơ sở kinh doanh và trên các trang mạng xã hội, trong khi chất lượng thật giả không được kiểm chứng.
Chiều 25-11, tại một gian hàng bán sâm Ngọc Linh nằm trên đường Anh Hùng Núp, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, trong vai khách hàng, phóng viên hỏi mua một bình rượu sâm Ngọc Linh. Thấy vậy, chủ tiệm giới thiệu hàng được bày bán là Sâm Ngọc Linh trồng ở huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Theo người chủ này, từ lâu, bà đã liên kết với một công ty sâm Ngọc Linh để trồng và hiện chỉ lấy một ít về bày bán.
Thấy tôi định mua một bình rượu ngâm, anh T. người bạn đi cùng - cũng là người nhiều năm gắn bó với cây sâm Ngọc Linh - vội ngăn lại và nói nhỏ "sâm Ngọc Linh giả đấy, đừng mua mà ôm hận". Xác minh từ chủ doanh nghiệp mà bà chủ gian hàng nhận có liên kết để trồng sâm Ngọc Linh thì người này khẳng định không liên kết với ai.
Sâm Ngọc Linh giả được bày bán tràn lan trên các trang mạng xã hội |
Theo anh T., sâm Ngọc Linh hiện nay được bày bán tràn lan, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội nhưng hầu hết là giả. Thậm chí, tại nhiều hội chợ, sâm Ngọc Linh giả cũng trà trộn vào. Để chứng minh, anh T. đưa điện thoại, mở liền 2 tài khoản facebook địa chỉ ở huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum thường xuyên đăng bài rao bán sâm Ngọc Linh giá từ 40 triệu đồng tới hơn 200 triệu đồng mỗi kg. Thậm chí, có củ to còn được rao tới 800 triệu đồng/kg.
Trong đó, một chủ tài khoản facebook cho biết đang có sẵn nhiều loại sâm từ loại 14-16 củ/kg tới to hơn là 4-6 củ/kg và cam kết 100% là sâm Ngọc Linh "xịn", muốn mua bao nhiêu cũng có. Để khách yên tâm, chủ tài khoản này còn trấn an: "Nếu không tin tưởng, anh có thể mua rồi mang mẫu đi kiểm nghiệm, không đúng em hoàn lại tiền" – người này nói và cho biết nếu mua từ 5 lạng trở lên sẽ cho người mang tận nơi vì "không yên tâm khi gửi".
"Không cần nhìn thực tế, qua hình ảnh có thể thấy tất cả đều là sâm giả có nguồn gốc từ Trung Quốc, Lai Châu và Đà Lạt. Bởi sâm Trung Quốc thường củ lớn, được cột cố định bằng dây và cây cứng để khi vận chuyển không bị hỏng. Còn sâm ở Lai Châu và Đà Lạt thường được cột bằng dây nilong. Hơn nữa, củ sâm Ngọc Linh giả thường to, mập hơn so với sâm Ngọc Linh thật. Cùng với đó, mắt mọc trên thân và lá sâm giả cũng khác so với sâm thật nhưng phải tinh ý mới nhận ra được" – anh T. giải thích.
Lãnh đạo một công ty trồng sâm Ngọc Linh nhiều năm qua tại tỉnh Kon Tum cho biết sở dĩ sâm Ngọc Linh bị làm giả là do giá trị kinh tế cao từ vài chục đến cả trăm triệu đồng/kg. Để tạo tin tưởng, một số cá nhân, doanh nghiệp đưa loại củ có bề ngoài giống với sâm Ngọc Linh từ nơi khác vào Kon Tum và Quảng Nam để chào bán, đánh lừa nguồn gốc. "Nguy hiểm hơn là khi sâm giả mang về trồng tại vùng núi Ngọc Linh có thể làm cho cây sâm Ngọc Linh bị lai tạp, mất đi nguồn gen gốc đặc hữu" – vị này nói thêm.
Trước tình trạng sâm Ngọc Linh giả được rao bán tràn lan, mới đây lực lượng chức năng UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã phát hiện hai đối tượng mang 12,1kg lá; 11,6kg củ và 1,72kg cây có củ giả sâm Ngọc Linh vào định bán trong phiên chợ sâm Ngọc Linh do UBND huyện tổ chức. Sau đó, tất cả tang vật đều bị tiêu huỷ.
Để ngăn chặn tình trạng giống sâm Ngọc Linh kém chất lượng, sâm giả trà trộn, huyện Nam Trà My đã xây dựng kế hoạch để kiểm định, tiến đến truy xuất nguồn gốc và gắn nhãn mác cho sâm Ngọc Linh.
Bài-ảnh: Hoàng Thanh