Theo Dong Hai
Investing.com - Đồ án quy hoạch chung TP.Biên Hòa với tổng diện tích lập quy hoạch hơn 4.800 ha đã được phê duyệt, Việt Nam có thể tăng chi ngân sách, tăng cung tiền ở mức độ hợp lý và cảnh báo về cơn bão giá trong năm 2022 sau khi giá nhôm lập đỉnh… Dưới đây là nội dung chính 3 thông tin cần chú ý trong phiên giao dịch hôm nay thứ Ba ngày 12/10.
1. Đồ án quy hoạch chung TP.Biên Hòa với tổng diện tích lập quy hoạch hơn 4.800 ha đã được phê duyệt
UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 đối với 5 phân khu theo quy hoạch chung TP.Biên Hòa, trong đó:
- Phân khu A2 gồm một phường Bình Đa và một phường An Bình với diện tích lập quy hoạch khoảng 774 ha, quy mô dân số khoảng 58.200 - 68.900 người. Về tính chất, phân khu này thuộc khu đô thị (KĐT) trung tâm lịch sử nằm ven sông Cái và sông Đồng Nai ở phía Đông Nam Cù lao Hiệp Hòa; là đô thị thành phần trong tổng thể các KĐT thuộc KĐT trung tâm lịch sử; là khu trung tâm hành chính - chính trị - văn hóa của tỉnh Đồng Nai,...
- Phân khu A3 gồm toàn bộ phường Tân Mai, phường Tam Hiệp, phường Tam Hòa và một phần phường Tân Tiến, phường Thống Nhất với diện tích lập quy hoạch khoảng 592 ha, quy mô dân số khoảng 97.400 người. Đây là phân khu thành phần phía Đông của KĐT trung tâm lịch sử thuộc TP Biên Hòa, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu về y tế, hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhà ở,...
- Khu A5 bao gồm toàn bộ các phường Hòa Bình, Quyết Thắng, Thanh Bình và một phần các phường Quang Vinh, Tân Tiến, Thống Nhất, Trung Dũng với diện tích lập quy hoạch gần 713 ha, quy mô dân số khoảng 105.000 - 110.000 người. Đây là phân khu thành phần khu vực trung tâm của KĐT trung tâm lịch sử TP Biên Hòa, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu về hành chính - chính trị, phát triển nhà ở, không gian, cảnh quan môi trường,...
- Phân khu A6 gồm toàn bộ phường Tân Long và một phần các phường Trung Dũng, Quang Vinh với diện tích lập quy hoạch gần 1.706 ha, quy mô dân số khoảng 75.000 - 80.000 người. Phân khu này là phân khu thành phần phía Bắc của KĐT trung tâm lịch sử TP Biên Hòa, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu về an ninh quốc phòng, y tế, phát triển nhà ở,...
- Phân khu A9 gồm toàn bộ phường Bửu Hòa, Tân Vạn và một phần phường Hóa An với diện tích lập quy hoạch hơn 1.020 ha, quy mô dân số khoảng 85.000 - 90.000 người. Đây là phân khu thành phần thuộc khu vực phía Nam của KĐT trung tâm lịch sử TP Biên Hòa, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển du lịch, dịch vụ logistic, nhà ở, không gian, cảnh quan môi trường,...
Nguồn vốn lập các quy hoạch trên từ nguồn vốn ngân sách. Đơn vị tư vấn lập quy hoạch sẽ tổ chức đấu thầu theo quy định. Thời gian lập hồ sơ là 9 tháng kể từ ngày hồ sơ điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt.
2. Việt Nam có thể tăng chi ngân sách, tăng cung tiền ở mức độ hợp lý
Trong báo cáo cập nhật Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với các ngành kinh tế Việt Nam và khuyến nghị, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV (HM:BID) đã đưa ra những nhận định về nền kinh tế Việt Nam quý III đã phản ánh rõ những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Tăng trưởng GDP quý III ước giảm -6,17%, tính chung 9 tháng, GDP chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng 9 tháng thấp nhất kể từ khi mở cửa nền kinh tế đến nay. Mặc dù dịch bệnh đang dần được kiểm soát cùng với tiến trình bao phủ vaccine được đẩy nhanh hơn, cùng với việc điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch giúp cân bằng hơn giữa việc đảm bảo sức khỏe người dân và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; lĩnh vực nông nghiệp, xuất – nhập khẩu tăng khá và ổn định kinh tế vĩ mô được đảm bảo; nhưng Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
- Với từng lĩnh vực, Nhóm tác giả cũng đưa ra những đánh giá về tác động của Covid-19 trong 9 tháng qua, trong đó có những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, nhưng có những ngành bị ảnh hưởng ít chẳng hạn lĩnh vực tài chính-ngân hàng-bảo hiểm vẫn đạt mức tăng trưởng +8,37% trong 9 tháng qua. Tuy nhiên, tác động đối với lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm là có độ trễ; do tác động của dịch bệnh đối với doanh nghiệp, người dân, đã và đang tác động tiêu cực hơn đối với lĩnh vực ngân hàng, nợ xấu gia tăng rõ rệt với tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể tăng lên mức 2% cuối năm 2021 và khoảng 2,3-2,5% năm 2022; và nợ xấu gộp (gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC và nợ xấu tiềm ẩn) tăng từ 5,1% cuối năm 2020 lên 7,2% hiện nay (nếu tính cả các khoản nợ cơ cấu lại nhưng không bị chuyển nhóm theo Thông tư 01 và Thông tư 03 của NHNN, theo báo cáo của NHNN).
- Với kết quả 9 tháng đầu năm và bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế từ đầu tháng 10, các chuyên gia dự báo kinh tế Việt Nam sẽ sớm hồi phục từ quý IV, tăng trưởng quý cuối năm có thể đạt 3,5% - 5,3%, giúp GDP cả năm 2021 có thể tăng 2,5% đến 3%.
- Đối với lạm phát, nhóm chuyên gia dự báo CPI bình quân cả năm 2021 ở mức 2,3-2,5%, thấp nhất trong vòng 6 năm, năm 2022 ở mức 3-3,3% - dù thấp so với dự báo trước đó nhưng vẫn ở mức cao trong khu vực ASEAN, vì vậy, không thể chủ quan, cần chú trọng phối hợp chính sách nhằm đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế bền vững.
Bên cạnh đó, nhóm các chuyên gia cũng đưa ra các khuyến nghị nhằm góp phần hỗ trợ nền kinh tế nhanh chóng hồi phục. Một trong số đó là xem xét có gói hỗ trợ tổng thể tiếp theo, trên cơ sở cân nhắc, tính toán dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ, mức độ tác động của dịch bệnh, bối cảnh và cơ hội mới để thiết kế chính sách phù hợp; cần chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng và tín dụng tăng trong tầm kiểm soát. Với tiềm lực, dư địa tài khóa và tiền tệ hiện nay, Việt Nam có thể tăng chi ngân sách, tăng cung tiền ở mức độ hợp lý và từ năm 2023 có thể quay lại quỹ đạo, kiểm soát những cán cân này lành mạnh hơn.
3. Cảnh báo về cơn bão giá trong năm 2022 sau khi giá nhôm lập đỉnh
Ngày 11/10, trên Sàn Giao dịch Kim loại London (LME), giá nhôm có thời điểm tăng 3,3% lên 3.064 USD/tấn, là mức cao nhất kể từ tháng 7/2008 và dẫn đầu đà tăng của các kim loại cơ bản khác. Giá đồng nhích 1,9% còn giá kẽm tăng 2,5% lên 3.230 USD/tấn. Trong vài tuần gần đây, các nhà đầu tư đã mua quyền chọn mua với giá thực tế lên tới 4.000 USD/tấn, theo đó tin tưởng rằng giá nhôm có thể sớm vượt qua mốc này để leo lên mức đỉnh mọi thời đại.
Tuy nhiên Bloomberg cảnh báo, áp lực lên ngành công nghiệp nhôm đang lớn dần, vào cuối tuần trước, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã thông báo sẽ cho phép doanh nghiệp phát điện tăng giá điện nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng. Tại Hà Lan, ông lớn ngành nhôm Aldel sẽ cắt giảm sản lượng từ tuần này do giá điện quá cao, hãng truyền hình NOS đưa tin. Công ty thương mại Concord Resources (London), cho biết một số nhà máy nhôm tại Trung Quốc đang phải tạm dừng hoạt động và sản lượng của nước này có thể đã đạt đỉnh, ít nhất là trong ngắn hạn. Trong bối cảnh thị trường đang bị thâm hụt nguồn cung và cần phải kích thích đầu tư vào các nhà máy mới bên ngoài Trung Quốc, giá nhôm có thể chạm ngưỡng 3.400 USD/tấn trong 12 tháng tới. Ngoài ra, giới thương nhân và phân tích cho biết, các nhà đầu tư đang theo dõi liệu xuất khẩu nhôm của Trung Quốc có bị ảnh hưởng hay không. Do sản lượng bị đình trệ và nhu cầu bùng nổ, Trung Quốc đã phải nhập khẩu một lượng lớn nhôm từ nước ngoài. Tuy nhiên, đất nước tỷ dân vẫn xuất khẩu một lượng đáng kể nhôm bán thành phẩm.
Các chuyên gia phân tích bao gồm một số nhà kinh tế tại Goldman Sachs (NYSE:GS) cho rằng có khả năng Bắc Kinh sẽ giảm hoặc hủy bỏ các khoản ưu đãi thuế giá trị gia tăng đối với hàng xuất khẩu để làm chậm dòng chảy kim loại ra nước ngoài. Thêm vào đó, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục nhập khẩu nhôm trong năm tới. Hai yếu tố đó có thể khiến thế giới bị thiếu hụt nguồn cung nhôm trầm trọng và giá nhôm có thể tăng cao đột biến hơn nữa.
Ông Eoin Dinsmore, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu sản phẩm nhôm tại CRU, nhận định: "Thị trường kim loại toàn cầu vào năm 2022 sẽ bị siết chặt nhất từ trước đến nay".