Vietstock - Nga bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ, giảm 84% trong 2 tháng
Từng được xem là quốc gia nắm giữ lượng lớn trái phiếu Chính phủ Mỹ, nay Chính phủ Nga đã đều đặn bán mạnh trái phiếu Chính phủ Mỹ.
Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 18/07 cho thấy, khoản nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ của Nga giảm tới 84% trong giai đoạn tháng 3-5/2018, từ 96.1 tỷ USD xuống còn 14.9 tỷ USD chỉ trong vòng 2 tháng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải)
|
Những blogger tài chính xem thông tin trên là một điều gì đó rất đáng quan ngại, nhưng một vài chuyên viên phân tích ngờ rằng các giao dịch ngày gắn liền chặt chẽ với một nền kinh tế đang hứng chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ và sự phân bổ danh mục của Nga.
Khoản sở hữu trái phiếu Mỹ của Nga nay đã thấp hơn của Trung Quốc và Nhật Bản – cả hai quốc gia này đều chủ động quản lý đồng tiền của mình và nắm giữ hơn 1 ngàn tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ. Trên thực tế, khoản nắm giữ trái phiếu Mỹ của Trung Quốc được nhiều nhà quan sát cho là một “vũ khí” trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trong đó, nền kinh tế lớn nhất trên thế giới có thể gặp nhiều khó khăn vì nếu Trung Quốc bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ thì lợi suất trái phiếu sẽ tăng vọt.
Động thái bán đổ bán tháo của Nga trên thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ diễn ra trong bối cảnh có sự hoài nghi về việc Nga có khả năng can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong năm 2016. Ngoài ra, đợt bán tháo trái phiếu Mỹ của Nga trong tháng 5/2018 cũng trùng khớp với diễn biến lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tích tắc lên mức cao nhất kể từ năm 2011.
Mặc dù sau đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã rút khỏi mức trên 3%, nhưng diễn biến của lợi suất trái phiếu này thực sự có tác động tới các công cụ tài chính khác, như lãi suất thế chấp và các khoản vay để mua xe hơi – vốn được thiết lập dựa trên lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm sau đó ổn định trở lại, dao động ở mức 2.958%.
Bán ra vì lệnh trừng phạt?
Các chuyên gia về trái phiếu, như ông Kevin Giddis của Raymond James, cho rằng điều này là do nguồn cung dư thừa trái phiếu Chính phủ Mỹ trong tháng 5/2018. Tuy nhiên, phần lớn nguồn cung dư thừa này đến từ các đợt đấu giá trái phiếu lớn để hỗ trợ cho các đợt giảm thuế và chi tiêu của Chính phủ Mỹ, chứ không phải là do Nga bán tháo ra.
“Mặc dù đợt bán trái phiếu của Nga là khá đáng ngờ, nhưng lượng trái phiếu họ nắm giữ và lượng trái phiếu họ bán ra thực sự không quá đáng kể đối với thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ trị giá hàng ngàn tỷ USD”, ông Giddis, Trưởng Bộ phận Thị trường vốn thu nhập cố định tại Raymond James, cho biết trong ngày Chủ nhật (29/07).
“Nếu phải đặt cược thì tôi sẽ đặt cược là điều này một phần xuất phát từ lệnh trừng phạt và một phần từ sự điều chỉnh danh mục, nhưng ít liên quan tới diễn biến thị trường thực”, ông nói thêm. “Nếu đó là Trung Quốc hay Nhật Bản thì câu chuyện sẽ rất khác, và vì vậy, diễn biến thị trường cũng sẽ nói khá nhiều về câu chuyện của động thái đó”.
Những quốc gia nước ngoài nắm giữ trái phiếu Mỹ chiếm tới 6.21 ngàn tỷ USD trái phiếu Mỹ, trong khi tổng lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ là 21.3 ngàn tỷ USD tính tới lúc 26/07/2018.
Trong tháng 4/2018, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt lên các doanh nghiệp, công ty và quan chức Chính phủ Nga – một “cú tát” trực tiếp vào những người thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một động thái nhằm trừng phạt quốc gia này vì nhiều vi phạm, bao gồm cả cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Vũ Hạo (Theo CNBC)