Vietstock - Muôn vàn lo lắng bủa vây, chứng khoán Hồng Kông đứng trước ngưỡng cửa hóa “gấu”
Làn sóng tháo chạy ra khỏi nhóm cổ phiếu công nghệ, “căn bệnh truyền nhiễm” ở các thị trường mới nổi, đà suy yếu về tiền tệ và một nền kinh tế đang rơi vào thế nguy hiểm. Muôn vàn nỗi lo lắng đang bủa vây thị trường Hồng Kông và do đó, cũng không khó hiểu khi thị trường cổ phiếu nước này suy giảm liên miên.
Hôm thứ Hai (10/09), chỉ số Hang Seng của Hồng Kông lùi 1.3% và đứng trước bờ vực của thị trường con gấu, tức là đã giảm gần 20% so với mức đỉnh xác lập từ tháng 1/2018. Vốn đang quay cuồng bởi làn sóng bán tháo ở các công ty công nghệ và Internet cũng như nỗi lo về đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc, Hồng Kông giờ còn bị mắc kẹt trong làn sóng tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi – xuất phát từ các cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Mỹ Latinh và Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ số MSCI Emerging Markets Index đã lao dốc 21% so với mức đỉnh xác lập ngày 26/01/2018, tức là đã chính thức bước vào thị trường con gấu.
Các chuyên viên giao dịch (trader) dự đoán, tiền sẽ rút ra khỏi các quỹ bám sát theo chỉ số MSCI Emerging Markets Index quanh ngày 21/09/2018, thời điểm các hợp đồng quyền chọn và tương lai gắn liền với chỉ số này hết hạn. Điều này thường làm gia tăng khối lượng giao dịch, khi các nhà quản lý tiền tệ toàn cầu – những người sử dụng các hợp đồng phái sinh để phòng ngừa rủi ro hoặc đặt cược vào xu hướng của một rổ chứng khoán lớn – phải chọn giữa việc chốt vị thế hoặc bảo vệ những bị thế của họ trước quý sắp tới. Các công ty niêm yết chính ở Hồng Kông chiếm tới 23% chỉ số MSCI Emerging Markets Index.
“Những thị trường này đang bị tác động nặng nề bởi làn sóng rút vốn, và tôi sẽ không ngạc nhiên khi chứng kiến ngày càng nhiều chọn chuyển đổi vị thế quanh ngày hết hạn của các hợp đồng tháng 9”, Mark Tinker, người đứng đầu Framlington Equities Asia tại AXA Investment Managers ở Hồng Kông, cho hay. “Chúng tôi đang chờ đợi tình trạng này ổn định trở lại, nhưng khi điều này diễn ra, mọi người sẽ nhận ra rằng sẽ thật ngu ngốc khi gom chung Bắc Á với phần còn lại của thị trường mới nổi”.
Cơn bán tháo trên diện rộng ở thị trường mới nổi đã tác động tới chứng khoán châu Á cực kỳ nặng nề, một phần là do chỉ số MSCI Emerging Markets Index. Tất cả 38 công ty có thành quả thấp nhất trong 3 tháng vừa qua đều là những doanh nghiệp có trụ sở ở Hồng Kông, Trung Quốc và Đài Loan.
Việc thay đổi vị thế quanh ngày hết hạn của hợp đồng quyền chọn hồi tháng 6/2018 diễn ra quá quyết liệt đến nỗi các quỹ ETF bám sát chỉ số MSCI Emerging Markets Index bốc hơi 5.4 tỷ USD trong tháng đó, mức rút vốn mạnh nhất kể từ năm 2014. Chỉ số Hang Seng chuẩn bị ghi nhận quý ảm đạm nhất trong 3 năm qua, khi đà rớt giá của đồng Nhân dân tệ làm chao đảo các thị trường trên toàn cầu.
Khi mức độ biến động gia tăng, những lời kêu gọi gia tăng tỷ trọng tiền mặt lại ngày càng “to và rõ ràng hơn”. Nhà đầu tư thường muốn thoát khỏi các đợt bán tháo một cách an toàn, mặc dù mức định giá của thị trường châu Á đang rẻ nhất trong nhiều năm qua. Hệ số P/E của Hang Seng ở mức 10 lần (xét trên lợi nhuận dự phóng), thấp nhất kể từ năm 2016.
“Nhiều người chơi đứng bên ngoài quan sát – bạn không muốn bị rơi vào vị thế sai lầm trong thị trường như thế này”, Stephen Innes, Trưởng Bộ phận Giao dịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Oanda Corp. ở Singapore, cho hay. “Chúng tôi đã bán khống tài sản ở khu vực thị trường mới nổi, nhưng hiện giờ đang san phẳng các vị thế của mình. Dòng vốn đang nghiêng về 1 hướng. Tôi không nghĩ, tình trạng rút vốn đã chấm dứt”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)