Vietstock - Tài xế Uber, Grab lo vỡ nợ
Chiết khấu tăng, thu nhập ngày càng giảm, nhiều tài xế Uber, Grab lo sẽ vỡ nợ vì phải vay tiền mua xe.
Sáng nay (15/1), hàng trăm tài xế tập trung trước trụ sở công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam tại phố Duy Tân (Hà Nội) để phản đối, đòi hạ chiết khấu của dịch vụ GrabCar. Theo các lái xe có mặt tại đây, mức chiết khấu 28,6% đang áp dụng là quá cao.
Đến buổi trưa, tình trạng tương tự cũng xuất hiện ở văn phòng hỗ trợ đối tác của Uber tại đường Vạn Phúc. Thậm chí, một tài xế còn dán lên thân xe dòng chữ “Chung tay tắt app Grab - Uber. Yêu cầu giảm chiết khấu”. Hiện tại, các tài xế UberX đang phải chịu chiết khấu 29,5%.
Tài xế dán khẩu hiệu với thông điệp yêu cầu Uber, Grab giảm chiết khấu lên thân xe. Ảnh: Anh Tú.
|
Trao đổi với VnExpress, các tài xế Uber, Grab bức xúc cho rằng cảm thấy như bị lừa khi trở thành đối tác của hai doanh nghiệp này. Nguyên nhân là Uber hay Grab trước đây đều quảng cáo thu nhập, chính sách hỗ trợ rất hấp dẫn.
Các tài xế nhận định, sau khi thu hút được một lượng lớn đối tác, hai hãng taxi công nghệ này dần tăng chiết khấu, giảm hỗ trợ, trong khi các chi phí khác ngày một tăng khiến đời sống lái xe chồng chất khó khăn. Nhiều người phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ khi vay tiền người thân, ngân hàng hay cắm cả sổ đỏ để mua xe.
“Tháng trước, tôi vay tiền ngân hàng 100% để mua chiếc Vios để chạy GrabCar. Sau khi trừ hết chiết khấu, các chi phí như xăng, bảo dưỡng, điện thoại, tiền ăn… ngày chạy được một triệu đồng thì tôi chỉ lãi được 100.000 – 200.000. Như vậy, tôi không đủ tiền trả lãi ngân hàng”, anh Hải - tài xế GrabCar lo lắng.
Tài xế này mong muốn phía Grab giảm bớt chiết khấu để giảm bớt gánh nặng tài chính mỗi ngày. “Trót đâm lao thì phải theo lao. Tôi vẫn phải tiếp tục làm vì gia đình còn vợ và con nhỏ. Ngoài chạy Grab, tôi thi thoảng nhận thêm khách đi tỉnh để thêm vào tiền trả lãi ngân hàng nếu không muốn vỡ nợ”, anh Hải buồn bã nói.
Theo anh Hoài Nam – lái xe Uber trú tại Hoàng Mai, 95% tài xế mua xe đều phải vay ngân hàng. Nếu tình trạng khó khăn như hiện nay tiếp diễn, anh em lái xe “chết”, thì các khoản nợ ngân hàng cũng trở thành nợ xấu.
Anh Nam cho biết, mục đích của các tài xế đến đây là yêu cầu Uber tăng mức cước 8.500 đồng cho mỗi km đang áp dụng và giảm chiết khấu để anh em ổn định cuộc sống, có tiền nuôi vợ con và trả lãi ngân hàng.
Các tài xế tập trung trước văn phòng Uber. Ảnh: Anh Tú.
|
Không phải vay ngân hàng mua xe nhưng ông Phương – tài xế Uber trú tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết đời sống cũng gặp nhiều khó khăn vì thu nhập giảm sút. “Mỗi ngày chạy 8 tiếng, từ 15 đến 25 cuốc, tôi được trung bình 700.000 – 800.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi trừ chiết khấu 25%, thuế thu nhập cá nhân 4,5% và các chi phí thì thực chất thu về chỉ khoảng 200.000 đồng”, ông Phương nói.
Anh Bình - một lái xe taxi truyền thống chuyển sang chạy Grab được một năm cũng đang cân nhắc quay lại nghề cũ. Anh cho biết, trước đây lái taxi truyền thống chỉ mất tiền đàm 2 triệu, lượng khách đều hơn, có những chuyến đi xa được rất nhiều tiền. Trong khi đó, hiện anh phải thuê xe để chạy GrabCar mất 10 triệu đồng một tháng. Theo anh Bình, ngày nào chạy được một triệu, trừ chiết khấu, xăng, tiền thuê xe… thì không còn lại là bao.
Trước sự việc sáng nay, đại diện phía Grab Việt Nam cho biết dự kiến tổ chức đối thoại trực tiếp với các đối tác trong thời gian tới. Còn Uber vẫn chưa có phản hồi về sự việc này.
Theo nguồn tin của VnExpress, các tài xế Uber, Grab sắp tới sẽ thành lập một tổ chức có thể như là liên đoàn để bảo vệ quyền lợi cho các lái xe. Tổ chức này sẽ có văn phòng đại diện, luật sư.
Anh Tú