Vietstock - Hiến kế ‘diệt’ tín dụng đen
Để ngăn chặn tín dụng đen, theo các chuyên gia, ngoài sự vào cuộc của ngân hàng, cần phải mở rộng các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, đơn giản hoá thủ tục và minh bạch hoá lãi suất.
Tín dụng đen hoành hành khiến nhiều người cùng quẫn.
Ảnh N.D
|
Tín dụng đen khiến nhiều gia đình cùng quẫn
Đó là ý kiến đáng chú ý tại tọa đàm “Phát triển Tín dụng tiêu dùng - Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen” do Báo Đầu tư tổ chức tại Hà Nội sáng nay, 15.3.
Thời gian gần đây, cho vay tiêu dùng tại Việt Nam là một lĩnh vực kinh doanh đang có tốc độ phát triển nhanh, đáp ứng tốt nhu cầu tài chính của các cá nhân. Các sản phẩm cho vay tiêu dùng ngày càng được hoàn thiện và phân phối rộng khắp cả nước nhờ sự năng động của các ngân hàng và các công ty tài chính tiêu dùng.
Tuy nhiên, bên cạnh hệ thống tổ chức tín dụng chính thức có sự quản lý nhà nước thì hệ thống cho vay tiêu dùng phi chính thức tạo ra hệ lụy xấu, hay còn được gọi với tên khác là “tín dụng đen” cũng bùng nổ và tạo nhiều hệ lụy xấu với đời sống kinh tế - xã hội tại một số địa phương trong cả nước.
Trước thực trạng nhức nhối này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo cần có biện pháp quyết liệt để loại trừ. Thực tế cũng cho thấy, trong các giải pháp giải quyết vấn nạn tín dụng đen, việc phát triển tín dụng tiêu dùng được đánh giá là giải pháp hữu hiệu hơn cả.
Tham dự toạ đàm, ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng nhà nước, cho biết tình trạng tín dụng đen đang bùng phát mạnh mẽ ở nước ta cho thấy nhu cầu về các khoản vay nhỏ, cấp bách của người dân rất lớn, trong khi các khoản cho vay truyền thống chưa đáp ứng được. Đây là dư địa rất lớn cho tín dụng tiêu dùng.
“Hệ luỵ của tín dụng đen đối với xã hội là rất lớn, nhiều gia đình rơi vào cùng quẫn bởi vướng bẫy của tín dụng đen và không được pháp luật hỗ trợ. Do đó, phát triển tín dụng tiêu dùng sẽ cung cấp cho người dân nhiều lựa chọn tốt hơn, an toàn hơn, qua đó giảm bớt nhu cầu tiếp cận tín dụng đen và các hệ luỵ mà loại hình này mang lại”, ông Nguyễn Tú Anh nêu quan điểm.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, chia sẻ cho vay tiêu dùng đáp ứng nhu cầu chi tiêu/tiêu dùng hiện đại, qua đó giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng cường tiếp cận các dịch vụ tài chính - ngân hàng hiện đại, tổ chức tài chính chính thức, giúp người dân có thêm lựa chọn, thay vì tìm đến tín dụng phi chính thức.
Còn theo TS Trần Kim Anh, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế T.Ư, đối với nền kinh tế và xã hội, tín dụng tiêu dùng giúp nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, giúp kế hoạch tiêu dùng diễn ra suôn sẻ giữa các chu kỳ biến động của thu nhập, do vậy góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và gia tăng công bằng xã hội; hạn chế cho vay nặng lãi, tín dụng đen đang ngày càng gia tăng và biến tướng trong xã hội hiện nay.
Các đại biểu hiến kế ngăn chặn tín dụng đen. Ảnh Anh Vũ
|
Cấp phép cho các công ty tài chính
Để phát triển tín dụng tiêu dùng, theo các chuyên gia, ngoài một hành lang pháp lý thông thoáng, còn cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, tổ chức doanh nghiệp, cơ quan thông tấn báo chí để người dân hiểu và tiếp cận với dịch vụ tài chính. Cũng từ đó, người dân được nâng cao kiến thức tài chính, có điều kiện tiếp cận với tín dụng hợp pháp, tránh việc đánh đồng tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính với tín dụng đen.
Bàn về giải pháp để phát triển thị trường tài chính tiêu dùng, luật sư Trần Minh Hải, Công ty Luật BASICO, cho rằng: “Cần cấp phép thành lập mới các tổ chức tài chính, tín dụng để tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đây là nhu cầu thiết thực với sự sẵn sàng tham gia thị trường của nhiều tổ chức định chế tài chính trong nước và nước ngoài”.
Ngoài ra, theo TS Trần Kim Anh, cần mở rộng mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen hiện nay để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân.
Ông Nguyễn Thanh Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty FE Credit, thông tin hiện nay số lượng các tổ chức tín dụng và mạng lưới đã phủ khắp cả nước. Vì vậy, khi có nhu cầu vay tiêu dùng, phục vụ đời sống thì người dân nên đến các tổ chức tín dụng để vay vốn thông qua kênh chính thức. Đơn cử như FE Credit hiện nay đang có hơn 12.000 điểm bán hàng và gần 8.500 đối tác trên toàn quốc, phục vụ nhu cầu vốn và nhu cầu tất yếu phục vụ đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân rất kịp thời.
Bên cạnh đó, ông Trịnh Bá Việt Xô, Trưởng phòng Quản lý đối tác chiến lược, Công ty tài chính Home Credit Việt Nam, cho rằng bản thân các công ty tài chính tiêu dùng cần đẩy mạnh các chiến dịch quảng bá thương hiệu và truyền thông để người dân biết đến thương hiệu và dịch vụ, đồng thời mở rộng mạng lưới các điểm bán hàng để khách hàng có thể tiếp cận dễ dàng, đội ngũ nhân viên luôn sẵn sàng tư vấn theo nhu cầu của khách hàng. Khi người dân có đầy đủ thông tin và thêm lựa chọn khi cần vay, họ sẽ giảm dần thói quen tìm đến tín dụng đen.
Tiêu Phong