Vietstock - Kiểm toán xử lý nợ xấu tại các ngân hàng
Kiểm toán Nhà nước vừa ban hành Đề cương kiểm toán chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Đơn vị được kiểm toán gồm Ngân hàng Nhà nước (trong đó có kết hợp đối chiếu tại 18 TCTD gồm: CB Bank, GP Bank, Eximbank, ACB (HN:ACB), ABB, SeaBank, Techcombank, BacABank, SHB (HN:SHB), Sacombank, VPBank, HDBank, VietCapitalBank, NamABank, OCB, VIB, VietABank, Vietbank); cùng với 2 ngân hàng gốc Nhà nước là VietinBank và BIDV.
Kiểm toán trách nhiệm của NHNN và các đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết trong đó đánh giá tình hình và tiến độ xử lý các khoản nợ xấu theo NQ42; việc ban hành cơ chế chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan; công tác thanh tra, giám sát việc thực hiện thu hồi nợ xấu theo NQ42; công tác xây dựng và phê duyệt triển khai phương án thực hiện xử lý nợ xấu theo Nghị quyết; kết quả đạt được, chưa đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Thời kỳ kiểm toán từ 15/08/2017- 31/12/2018.
Theo số liệu của NHNN tại Báo cáo tổng kết năm 2018, công tác xử lý nợ xấu xác định theo NQ42 đạt được nhiều kết quả tích cực, tính đến tháng 12/2018, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 183/568 ngàn tỷ đồng nợ xấu, đạt trên 32.22% tổng nợ xấu được xác định theo NQ42. Ngoài ra các TCTD ước tính đã sử dụng 83.6 ngàn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng. Xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo NQ42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ, đến cuối tháng 12/2018 đạt 83.35 ngàn tỷ đồng, chiếm 46% tổng xử lý nợ xấu xác định theo NQ42 đã xử lý. |
Tài liệu tham khảo:
de-cuong-kiem-toan-nha-nuoc.pdf
Hàn Đông