Vietstock - Bà Phạm Chi Lan so kinh tế Việt Nam với thời vua Minh Mạng
Bà Phạm Chi Lan cho biết thu nhập bình quân đầu người Việt Nam năm 1820 cao hơn mức chung thế giới, quy mô kinh tế gấp rưỡi Thái Lan và lớn hơn Philippines và Myanmar cộng lại.
Tại Hội thảo công bố báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam do Viện Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ mới đây bà có đọc được một tài liệu khá thú vị.
Nhóm nghiên cứu đề tài đưa ra hình ảnh quy mô của nền kinh tế Việt Nam năm 1820, tức cách đây gần 200 năm. Dưới thời vua Minh Mạng, Việt Nam hoàn toàn không có đầu tư nước ngoài vì Pháp chưa đến còn các đế chế cũ của Trung Quốc đã bị đuổi khỏi Việt Nam. Năm đó, tỷ lệ về quy mô kinh tế của Việt Nam so với quy mô dân số là 0,8/1, tức nếu dân số chúng ta là 1 thì về kinh tế, quy mô đã đạt tới mức là 0,8.
“Thời điểm đó, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam cao hơn so với bình quân thu nhập đầu người trên toàn cầu. Quy mô kinh tế Việt Nam lớn hơn cả Philippines và Myanmar cộng lại. Chúng ta cũng gấp rưỡi quy mô kinh tế của Thái Lan”, bà Lan nói bằng giọng đầy tự hào.
Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh 2 yếu tố đổi mới về thể chế để kinh tế Việt Nam phát triển. Ảnh: VEPR.
|
Dẫn lại câu chuyện 200 năm trước, bà Phạm Chi Lan chỉ thực tế hiện nay kinh tế Việt Nam đang còn khoảng cách khá xa với kinh tế Philippines hay Thái Lan. Đặc biệt là với Thái Lan, để bắt kịp họ sẽ là một nhiệm vụ khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay chỉ bằng 25% so với mức trung bình thế giới.
Bà Phạm Chi Lan cùng một số chuyên gia nhận định kịch bản tốt nhất cho Việt Nam tính đến năm 2035 là trở thành một nước thu nhập trung bình cao nhưng điều kiện tiên quyết là đổi mới nhiều mặt của nền kinh tế.
“Việt Nam phải chuyển sang kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo và tăng trưởng dựa trên năng suất, phải thoát ra hẳn cách phát triển dựa trên lao động giá rẻ và giá trị gia tăng thấp như hiện nay thì mới có thể vượt lên được”, bà Chi Lan nói.
Ngoài ra, bà Lan chia sẻ trong Báo cáo Việt Nam 2035 mà bà đang cùng nhóm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới thực hiện, khuyến nghị quan trọng nhất với nền kinh tế Việt Nam là đổi mới về thể chế.
Cụ thể, bộ máy nhà nước phải dứt bỏ tình trạng vừa phân mảnh vừa thương mại hóa về nhiều mặt để trở thành một nhà nước hiện đại. Bà cho rằng một Nhà nước hiện đại mới có được một thể chế hiện đại và đưa thể chế đó vào thực thi để dẫn dắt nền kinh tế phát triển, đi theo thời đại của nền kinh tế số.
“Hy vọng trong tương lai, nền kinh tế Việt Nam có thể bằng được những gì các cụ nhà mình đã làm được trước đó”, bà Phạm Chi Lan kết luận.
Văn Hưng