Vietstock - Trung Quốc: Dữ liệu GDP công bố gần đây khởi đầu cho một xu hướng mới?
Dữ liệu kinh tế chính thức của Trung Quốc khá ít thông tin chi tiết, lờ mờ về phương pháp tính và rất trơn tru. Đó là những yếu tố gieo rắc sự hoài nghi rằng dữ liệu đã bị chỉnh sửa vì những yếu tố chính trị. Dù vậy, dữ liệu quý cuối năm 2018 trông vẫn có vẻ đúng.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (CNBS), trong 3 tháng cuối năm 2018, nền kinh tế tăng trưởng 6.4% so với cùng kỳ năm trước, giảm từ mức 6.5% của quý trước và là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2009. Thế nhưng, đây không phải là một điều gì đó quá thảm họa: Khi tăng trưởng cả năm 2018 đạt 6.6%, Bắc Kinh vẫn có thể khẳng định họ thành công về mục tiêu tăng trưởng (chỉ có 6.5%).
Dữ liệu do Chính phủ Trung Quốc công bố trùng khớp với ước tính dựa trên các thước đo đại diện của Bloomberg Economics – có khả năng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Chắc chắn là còn quá sớm để dẹp bỏ hàng thập kỷ hoài nghi về các số liệu kinh tế của Trung Quốc. Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường, từng phủ nhận chuyện các con số kinh tế đã có sự tác động của con người. Các tỉnh thành lớn – bao gồm cả Liêu Ninh, nơi ông Lý từng là Bí thư Đảng Cộng sản – cũng thừa nhận những sai phạm về thống kê trên quy mô lớn. Tốc độ tổng hợp số liệu – chỉ mất 3 tuần để tính toán thành quả của một nền kinh tế 13.5 ngàn tỷ USD – cũng làm dấy lên hoài nghi về mức độ tin cậy của dữ liệu.
Vẫn còn đó những tín hiệu đáng ngờ. Thước đo tăng trưởng GDP của Trung Quốc và các thước đo khác - được nhà đầu tư theo dõi sát sao - là cực kỳ trơn tru, mặc dù ở những quốc gia khác, các thước đo này biến động qua từng quý. Tính trung bình, tăng trưởng GDP của Trung Quốc thay đổi 0.2 điểm cơ bản qua mỗi quý kể từ năm 2011, thấp hơn cả một nửa mức trung bình của Mỹ.
Đó là lý do tại sao các chuyên gia kinh tế cố gắng nghiên cứu điều gì đang thực sự diễn ra dựa trên hàng loạt các thước đo mang tính đại diện. Bloomberg Economics xem xét 3 thước đo: Một thước đo theo dõi GDP hàng tháng dựa trên mức trung bình có trọng số của các chỉ báo hoạt động kinh tế như sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ; chỉ số điện năng trong đó tính tới lượng điện tiêu thụ của các ngành sản xuất chế tạo, dịch vụ và nông nghiệp, được điều chỉnh theo tỷ lệ GDP của mỗi ngành; và chỉ số Li Keqiang Index (chỉ số Lý Khắc Cường) – được lấy cảm hứng từ những đề xuất của Thủ tướng Trung Quốc rằng điện năng, vận chuyển hàng hóa qua đường sắt (rail freight) và khoản cho vay của các ngân hàng cung cấp chỉ báo đáng tin cậy về tăng trưởng hơn là dữ liệu chính thức.
Những thước đo thay thế này không phải lúc nào cũng trùng khớp với dữ liệu GDP chính thức. Chẳng hạn, trong năm 2015, các con số của Bloomberg Economics và những con số từ các chuyên gia kinh tế độc lập cho thấy tăng trưởng có thể rơi xuống 5% hoặc thấp hơn. Vậy mà trong quý gần đây nhất, số liệu chính thức và số liệu từ những thước đo độc lập khớp với nhau.
Để hiểu những gì đang diễn ra, cần phải nhìn lại lịch sử thống kê kinh tế của Trung Quốc. Trở về kỷ nguyên của Mao Trạch Đông, nguồn gốc của sự bóp méo dữ liệu đến từ sự mâu thuẫn lợi ích của các quan chức địa phương. Những người đứng đầu các tỉnh phụ trách báo cáo về thành quả của nền kinh tế địa phương và triển vọng thăng tiến của họ phụ thuộc vào những con số ghi nhận đó trông có tốt hay không.
Trong năm 1998, khi cuộc khủng hoáng tài chính châu Á gây thiệt hại cho những quốc gia láng giềng của Trung Quốc, tác động của xung đột lợi ích đó được thể hiện khá rõ. Dữ liệu về mọi thứ từ lượng tiêu thụ năng lượng cho tới du lịch hàng không đều cho thấy tăng trưởng có vẻ bằng phẳng. Giáo sư Thomas Rawski – một chuyên gia về nền kinh tế Trung Quốc tại Đại học Pittsburgh – ước tính nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 2.2% hoặc thấp hơn trong năm đó, trong khi số liệu chính thức là 7.8%.
Sự khác biệt quá lớn đến nỗi giới lãnh đạo Trung Quốc không còn cách nào khác ngoài việc hành động. Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Chu Dung Cơ nói về “làn gió làm đẹp và làm sai lệch” đang thổi qua cả hệ thống thống kê. Trong những năm sau đó, những cuộc cải cách sâu rộng được thực hiện nhằm cố gắng loại bỏ tác động của sự phóng đại ra khỏi dữ liệu. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh đảm nhận vai trò ngày càng lớn hơn và các quan chức địa phương có xung đột lợi ích dần bị đào thải.
Những cuộc cải cách ấy không hề loại bỏ xung đột lợi ích ở những quan chức hàng đầu. Những nhà lãnh đạo quốc gia không phải lo lắng về việc thăng quan tiến chức. Thế nhưng, họ đặt ra mục tiêu GDP và bị suy giảm tín nhiệm nếu như không đạt mục tiêu. Chẳng ai có thể biết được công việc nội bộ của Cục Thống kê Quốc gia. Nhưng sự nhất quán một cách đáng ngờ làm dấy lên sự hoài nghi rằng những con số được quan tâm hàng đầu đã bị điều chỉnh để phù hợp với các mục tiêu của Chính phủ.
Một câu chuyện thay thế có thể hợp lý nhưng chưa ai kiểm chứng về tăng trưởng Trung Quốc trong vài năm qua có thể diễn ra như thế này: Đà giảm tốc trong năm 2015 là mạnh hơn những gì đã ghi nhận. Đó là những gì chỉ báo đại diện thể hiện. Điều này cũng phù hợp với tình cảnh khi đó, lúc cuộc khủng hoảng tác động tới thị trường cổ phiếu Trung Quốc và nhà đầu tư hoảng loạn về động thái phá giá Nhân dân tệ đầy bất ngờ. Rồi sau đó, khi Chính phủ đưa ra những chính sách để tích cực hỗ trợ tăng trưởng, thì nền kinh tế trong năm 2016 và đầu năm 2017 đã phục hồi mạnh hơn những gì số liệu thống kê chính thức cho thấy. Trong năm 2018, cuộc chiến thương mại với Mỹ và chiến dịch giảm bớt đòn bẩy do Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình, khởi xướng bắt đầu tác động tiêu cực và nền kinh tế giảm tốc từ đó. Lần này, dữ liệu chính thức và các thước đo đại diện đều thể hiện về cùng một câu chuyện, hoặc ít nhất là khớp phần nào đó.
Trong năm 1998, Trung Quốc chỉ chiếm 3.3% sản lượng toàn cầu (không quá cao) và do đó, chất lượng của dữ liệu Trung Quốc chỉ được một vài học giả quan tâm. Trong năm 2018, Trung Quốc chiếm tới gần 16% sản lượng toàn quốc, có nghĩa là tính toàn vẹn của số liệu thống kê bỗng trở thành một chủ đề được mọi người quan tâm, từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) (để cố gắng thiết lập chính sách tiền tệ) cho tới Apple (NASDAQ:AAPL) (để dự báo doanh số bán iPhone).
Nhìn về phía trước, vẫn còn đó hai yếu tố mang lại sự lạc quan. Đầu tiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang đồng lòng: Trong một bài phát biểu, ông Tập cho biết tăng trưởng nên “thành thật, và không được ‘thêm mắm thêm muối’” (tức không được phóng đại). Thứ hai, khi hệ thống tài chính Trung Quốc cởi mở hơn đối với những khoản đầu tư toàn cầu, dữ liệu đang tin cậy là điều cần thiết để củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Khi xuất hiện nhiều động lực để công bố dữ liệu chính xác hơn, có lẽ dữ liệu GDP mới công bố gần đây sẽ là khởi đầu của một xu hướng mới.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)