Vietstock - Ông Đinh La Thăng 'muốn ngẩng mặt nhìn bạn tù'
Cầm văn bản đọc với giọng nghẹn ngào, ông Thăng cảm ơn VKS, cơ quan điều tra, luật sư bào chữa tại phiên toà trong lời nói sau cùng chiều 24/3.
17h50 ngày 24/3, HĐXX cho các bị cáo nói lời sau cùng sau ba ngày tranh tụng.
Cầm văn bản đọc lời sau cùng với giọng nghẹn ngào, ông Thăng cảm ơn VKS, cơ quan điều tra, luật sư bào chữa tại phiên toà. Ông cảm ơn vì bạn bè đến chia buồn với gia đình. "Bị cáo thành người con bất hiếu khi bố qua đời mà không có mặt. Đây là nỗi ân hận, day dứt nhất. Bị cáo đã xin được về nhìn mặt bố lần cuối nhưng không được", ông nói và nhắc lại việc thấy "day dứt, ám ảnh".
"Những bản án đổ lên đầu bị cáo chắc chắn bị cáo không còn đủ thời gian thực hiện hết. Trong những đêm dài thao thức không ngủ được với bốn bức tường trong phòng giam, nhưng bị cáo biết còn có những vì sao sáng dẫn lối - đó là ‘niềm tin’. Sống mà không có hy vọng thì có nên sống không? Bị cáo hy vọng trước khi sự thật khách quan được làm rõ, căn cứ vào nguyên tắc, chủ trương của Đảng, bản án phải xuất phát từ tranh luận phiên tòa, đề ra đường lối xử lý khoan hồng khi tuyên với bị cáo. Hãy đối xử với bị cáo như đối xử với một con người", ông nói.
Bị cáo Đinh La Thăng: Ký trước cũng chết mà sau cũng chết
Trước đó, trong phần đối đáp cuối cùng với VKS, ông Thăng nói: "Vụ án trước bị cáo bị truy tố về việc xin Thủ tướng trước khi ký nghị quyết, vụ này lại bị truy tố vì chưa xin mà đã ký".
Ông Thăng tiếp tục khẳng định không có văn bản nào quy định ký trước hay sau khi xin ý kiến Thủ tướng. “Ký trước cũng chết mà sau cũng chết”, ông nói và xin HĐXX xem xét vấn đề này.
Ông Thăng cũng cho rằng VKS khi kết luận vụ án chỉ trích dẫn những điều bất lợi dù cùng một văn bản mà trong đó có cả thông tin có lợi cho bị cáo. Theo ông, PVN mất vốn không phải do đầu tư vào Oceanbank. "Việc quy buộc hậu quả vụ án không khác gì một học sinh học kém nói 'cháu bỏ học vì bố mẹ cháu cho cháu đi học'", ông trình bày ví von.
Giọng ông Thăng vào cuối giờ làm việc buổi chiều vẫn to, rõ, bình tĩnh. Đưa tay theo nhịp nói, hết quay sang trái lại quay sang phải, ông nói "không muốn đứng trước tòa cãi nhau" về việc có biết hay không biết về lần góp vốn thứ ba của PVN vào Oceanbank. Trong lúc ông Thăng đối đáp, luật sư của ông liên tục nhắc thông tin.
Ông Thăng xin VKS rút lại nhận định sáng nay rằng ông "chuyên quyền, độc đoán". Ông nói muốn được "ngẩng mặt lên để nhìn các bạn tù khác", nếu vì cố ý làm những điều như tham ô, tham nhũng thì "nhục nhã lắm". Vì vậy, ông mong muốn có được sự thật khách quan.
Nhiều bị cáo cám ơn Hội đồng xét xử
Cựu kế toán trưởng PVN Ninh Văn Quỳnh trong lời nói cuối cùng cho rằng dù có nhiều thành tích trong công tác song cũng không thể "gỡ" được những sai phạm đã gây ra. Do sức khoẻ yếu, ông Quỳnh xin hưởng khoan hồng để còn có thể trở về với gia đình.
Ông Vũ Khánh Trường nói vô cùng biết ơn vì được nói lời sau cùng. Trong lần góp vốn thứ ba vào Oceanbank, ông không cố ý mà chỉ không hiểu biết về luật. Thời điểm đó, Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực chưa lâu nên chưa đi vào cuộc sống.
"Bị cáo ốm yếu chắc cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa. Xin toà cho bị cáo được hưởng khoan hồng, được sống với mẹ già được ngày nào hay ngày ấy để báo hiếu", ông nói và trước khi kết thúc phần trình bày đã cám ơn HĐXX đã giúp mình nhận ra nhiều điều.
Ông Nguyễn Xuân Sơn trong lời nói sau cùng không đề cập đến bản thân ngay mà xin cho hai người đã cống hiến suốt đời cho ngành dầu khí là ông Nguyễn Xuân Thắng, Vũ Khánh Trường không bị cách ly khỏi đời xã hội. Ông nhận trách nhiệm đã khiến những người này phải ra toà trong hôm nay, dù làm ở lĩnh vực khác.
"Bị cáo bị tạm giam gần ba năm rồi, mong muốn làm rõ bản chất sự việc để thi hành án được thanh thản", ông nói.
Hai bị cáo Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm cùng xin HĐXX lưu tâm xem xét hoàn cảnh, thời điểm, lý do phạm tội. Là người nói sau cùng, Phan Đình Đức cảm ơn HĐXX chỉ đạo phiên tòa nghiêm túc, nhân văn.
TAND Hà Nội cho biết do vụ án có tính chất phức tạp, việc nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào 14h ngày 29/3.
Theo cáo trạng, ông Đinh La Thăng ký Thỏa thuận tham gia góp vốn 800 tỷ đồng với cựu chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm nhưng không thông qua HĐQT. Ông Thăng bị cáo buộc dù được báo cáo năng lực yếu kém của Oceanbank song vẫn ký ban hành Nghị quyết góp vốn khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng. Ông cũng không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính về đảm bảo các điều kiện về góp vốn. Hậu quả, toàn bộ 800 tỷ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua lại Oceanbank với giá 0 đồng. Ông Thăng cùng 6 người bị xét xử về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999) gồm ông: Nguyễn Xuân Sơn (cựu phó tổng giám đốc PVN), Ninh Văn Quỳnh (cựu phó tổng giám đốc PVN), Nguyễn Xuân Thắng (63 tuổi, cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN), Nguyễn Thanh Liêm (63 tuổi, cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN), Vũ Khánh Trường (64 tuổi, cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN), Phan Đình Đức (58 tuổi, cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN). Riêng ông Quỳnh bị truy tố thêm tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản (điều 280 Bộ luật Hình sự 1999). |