Vietstock - Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Bài học lớn của Bộ GTVT
Bộ Giao thông Vận tải cho biết tổng thầu dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông có dự kiến tiến độ hoàn thành nhưng theo đánh giá là chưa khả thi
* Đường sắt Cát Linh - Hà Đông thiếu tài liệu để nghiệm thu
* Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Làm rõ trách nhiệm tổng thầu EPC Trung Quốc
* Chưa hoạt động đã lo chuyện đường sắt Cát Linh - Hà Đông gặp sự cố
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2019 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) diễn ra chiều 27-9, nhiều phóng viên đặt câu hỏi bao giờ hoàn thành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông? Trả lời, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết dự án vẫn còn một số tồn tại chính, bao gồm việc chưa hoàn thành công tác chỉnh trang, thủ tục nghiệm thu. Ngoài ra, các thiết bị đã lắp đặt phía tổng thầu Trung Quốc chưa cung cấp đầy đủ chứng chỉ, hồ sơ để hoàn tất đánh giá an toàn hệ thống.
Chưa rõ bao giờ xong
Hiện dự án vẫn chưa hoàn thành đề cương vận hành thử toàn hệ thống để đoàn tàu chạy thử nhằm kiểm chứng hoạt động của thiết bị và đánh giá độ sẵn sàng của hệ thống, nhân sự vận hành. Dự án cũng chưa được bổ sung đủ hồ sơ quản lý chất lượng nên đơn vị tư vấn độc lập chưa có đủ cơ sở xác định mức độ an toàn của toàn hệ thống.
Bộ Giao thông Vận tải thúc tổng thầu Trung Quốc hoàn thành công việc để đưa dự án vào vận hành nhưng chưa biết thời gian cụ thể Ảnh: NGÔ NHUNG |
Bộ GTVT cho hay từ tháng 4 đến nay, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã gặp và làm việc trực tiếp với lãnh đạo tổng thầu, các cơ quan ngoại giao phía Trung Quốc để đôn đốc giải quyết các vấn đề tồn đọng nhưng chưa đạt kết quả. Đặc biệt là công tác tập hợp hồ sơ của tổng thầu chưa đáp ứng yêu cầu.
"Nguyên nhân chậm trễ việc hoàn thành chủ yếu là do tổng thầu Trung Quốc. Dự án này là bài học kinh nghiệm rất lớn với Bộ GTVT. Tổng thầu có dự kiến tiến độ hoàn thành nhưng theo đánh giá của Bộ GTVT là chưa khả thi. Bộ đang yêu cầu tổng thầu khẩn trương lập kế hoạch chi tiết cụ thể đối với từng hạng mục còn lại để xác định thời gian hoàn thành dự án sớm nhất. Sau khi chốt được mốc hoàn thành, Bộ GTVT sẽ báo cáo cấp thẩm quyền và thông tin đến báo chí" - ông Nguyễn Ngọc Đông nói.
Nghiêm túc thực hiện các kết luận kiểm toán
Liên quan đến kết luận của Kiểm toán Nhà nước khi kiểm toán dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ tháng 9-2009 đến tháng 11-2018, Bộ GTVT cho biết do tính chất của dự án và các điều kiện khách quan như chậm trễ trong giải phóng mặt bằng nên từ khi khởi công đến cuối năm 2015, chủ đầu tư phải thực hiện hình thức duyệt, tạm duyệt dự toán để có cơ sở cho việc thực hiện một số hạng mục xây lắp và tạm thanh toán giá trị khối lượng cho tổng thầu.
Ngoài ra, do quy định của Việt Nam và Trung Quốc có nhiều khác biệt về thiết kế, đơn giá định mức nên việc lập dự toán chưa đầy đủ, văn bản hướng dẫn áp dụng chính sách chậm ban hành, dẫn đến quá trình thực hiện còn có sai sót, tồn tại đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra.
"Bộ GTVT đã báo cáo, giải trình với Kiểm toán Nhà nước và cho biết sẽ nghiêm túc thực hiện các kết luận đã nêu ra, cũng như sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung vượt thẩm quyền" - ông Nguyễn Ngọc Đông cho hay.
Tháng 10 có hồ sơ tuyển thầu cao tốc Bắc - Nam
Liên quan đến việc Bộ GTVT hủy sơ tuyển đấu thầu quốc tế với 8 dự án cao tốc Bắc - Nam và chọn hình thức đấu thầu trong nước, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết bộ đang chỉ đạo các ban quản lý dự án và bên tư vấn hoàn thiện hồ sơ sơ tuyển đấu thầu trong nước và sẽ phát hành trong tháng 10.
Tiêu chí chọn nhà đầu tư là dựa vào quy định tại nghị quyết của Quốc hội để thực hiện, vốn chủ sở hữu phải là 20% tổng vốn đầu tư dự án. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng khẳng định sẽ không chia nhỏ 8 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam để đấu thầu. Về việc liệu có áp dụng hình thức chỉ định thầu nếu không có nhà đầu tư, ông Nguyễn Ngọc Đông nói trong trường hợp này sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội quyết định để chuyển sang đầu tư công chứ không chỉ định nhà đầu tư.
Điều chỉnh tuyến 2 - dự án đường sắt đô thị Hà Nội Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về việc triển khai thực hiện dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Về việc điều chỉnh dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội thực hiện trình tự, thủ tục, trong đó bao gồm cả điều chỉnh tiến độ thực hiện theo đúng quy định của Nghị định số 131/2015 hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia và các quy định pháp luật có liên quan và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. UBND TP Hà Nội phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về việc bố trí vay vốn nước ngoài bổ sung phần điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm của dự án. B.Trân |
VĂN DUẨN