Vietstock - Đấu giá đất bị 'tắc' từ vụ Thủ Thiêm?
Sau khi trúng đấu giá đất Thủ Thiêm, 2 doanh nghiệp đã bỏ cọc và 2 đơn vị còn lại vẫn chưa nộp tiền dù sắp hết hạn. Điều này khiến các sở ban ngành của TP.HCM đau đầu trong khi kế hoạch đấu giá hàng loạt lô đất công khác vẫn nằm im chưa triển khai.
Nguy cơ các lô đất Thủ Thiêm đều bị bỏ cọc?
Theo quy định, trong thời gian 30 ngày kể từ khi ký thông báo của cơ quan thuế, người trúng đấu giá phải trả 50% số tiền mua tài sản cho ngân sách nhà nước (đợt 1). Trong vòng 90 ngày kể từ khi có thông báo thuế, phải nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại (đợt 2). Trong vụ đấu giá đất Thủ Thiêm đã có 2 doanh nghiệp (DN) là Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh nhà thương mại Bình Minh nộp đơn xin ngừng thực hiện hợp đồng. Cục Thuế TP.HCM thông tin là hơn 60 ngày kể từ khi cơ quan này phát hành thông báo thuế (ngày 6.1), nhưng 2 DN đã trúng đấu giá đất Thủ Thiêm còn lại là Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá lô 3-8 với mức 4.000 tỉ đồng và Công ty CP Dream Republic trúng đấu giá lô đất 3-5 với mức 3.820 tỉ đồng vẫn chưa nộp 50% số tiền mua.
Các lô đất ở Thủ Thiêm mang ký hiệu 3-5, 3-8, 3-9 và 3-12. Ngọc Dương |
Như vậy, 2 DN này đã trễ hẹn nộp tiền đợt 1 hơn 30 ngày. Hiện cơ quan thuế đã gửi thư nhắc nhở, đôn đốc DN nộp thêm phần tiền theo quy định. Nếu sau 90 ngày mà DN không nộp tiền thì cơ quan này sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế, thậm chí đề nghị thu hồi dự án.
Đất Thủ Thiêm sau hơn 2 tháng đấu giá vẫn chưa có doanh nghiệp nào đóng tiền. Ngọc Dương |
Theo kế hoạch trước đây của TP.HCM, chỉ riêng tại khu vực Thủ Thiêm sẽ có tổng cộng khoảng 19 lô đất được dự kiến đưa ra đấu giá. Ngay sau khi 4 lô đất đầu tiên được các DN trả giá cao hơn gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, nhiều ý kiến kỳ vọng đây sẽ có đà để đấu giá thành công 15 lô đất còn lại và thành phố sẽ thu được khoản tiền lớn cho ngân sách.
Thế nhưng, kỳ vọng này đến nay đã trôi xa theo chân các DN bỏ cọc. Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết đến nay các lô đất bị hủy cọc vẫn chưa có kế hoạch đấu giá lại. Việc đấu giá lại tùy thuộc vào bên có tài sản, tức UBND TP.HCM và ủy quyền cho Sở Tài nguyên - Môi trường, Trung tâm phát triển quỹ đất. Không chỉ các lô đất này, các lô đất còn lại của Thủ Thiêm cũng tương tự.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đánh giá 2 DN đã trúng đấu giá đất Thủ Thiêm đến nay đã vi phạm cam kết ban đầu vì chưa đóng tiếp số tiền mua tài sản. Điều này khiến dư luận rộ lên là có thể 2 DN này cũng sẽ theo chân Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Công ty Bình Minh bỏ cọc. Quan trọng nhất là sau vụ các DN bỏ cọc, thành phố cũng đã tổ chức hội thảo để lấy ý kiến các chuyên gia xoay quanh việc đấu giá đất thế nào cho thành công.
Hàng loạt lô đất công phải chờ
Theo số liệu từ Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, dọc trục xa lộ Hà Nội (TP.Thủ Đức, TP.HCM) có 60 khu đất (tổng diện tích khoảng 200 ha) do nhà nước quản lý, đa số đang được sử dụng làm kho bãi. Nếu tổ chức bán đấu giá 60 khu đất trên (dù thẩm định giá thấp hơn các lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm), thành phố sẽ có nguồn thu rất lớn bổ sung vào ngân sách. Đặc biệt, thành phố vừa có báo cáo hơn 2.400 ha đất dọc tuyến đường Vành đai 3 có thể đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn thu thực hiện dự án này. Đó là chưa kể gần cả 100 địa chỉ nhà, đất công khác trên địa bàn. Thế nhưng, đáng chú ý, từ sau vụ đất Thủ Thiêm đến nay, thành phố cũng chưa đưa ra vụ đấu giá đất công nào khác.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu, việc DN bỏ cọc đã tác động xấu, làm suy giảm hiệu lực và tính công khai, công bằng của phương thức đấu giá tài sản thuộc sở hữu toàn dân, đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư dự án. Đồng thời điều này còn tác động xấu đến môi trường đầu tư của TP.HCM và làm giảm hiệu lực của phương thức đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư, gây khó khăn cho việc mời gọi các nhà đầu tư để phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm thành trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế.
Phân tích thêm, ông Huỳnh Phước Nghĩa nhấn mạnh: Thành phố không thể thực hiện ngay việc đấu giá các lô đất khác, nguyên nhân là có thể sợ sẽ lặp lại chuyện vừa qua. Bởi nó liên quan việc đưa ra giá khởi điểm như thế nào? Nếu đưa ra giá bán thấp hơn mức đấu giá của các DN như trên thì có sợ bị quy trách nhiệm làm thất thoát tài sản nhà nước hay không? Còn nếu đưa ra ở mức tương đương thì liệu có thu hút được DN tham gia hay không? Bản thân các DN hiện nay cũng sẽ cân nhắc nhiều hơn trước đây khi tham gia đấu giá đất vì áp lực rất lớn từ dư luận, từ các cơ quan nhà nước nếu như bỏ cọc mà trước đây họ chưa hình dung được. Hơn nữa, hiện nay trong bão giá nguyên vật liệu đang tăng cao thì việc tính toán để khai thác hiệu quả dự án sau khi triển khai cũng phải được nghiên cứu kỹ hơn.
Trong khi đó, sức khỏe tài chính của nhiều DN cũng không quá mạnh vì tỷ lệ nợ quá cao, thời gian qua có thể phát hành trái phiếu huy động vốn được thì sắp tới sẽ khó hơn… Ảnh hưởng từ vụ đấu giá đất Thủ Thiêm rất lớn đến kế hoạch thu ngân sách, mục tiêu phát triển của thành phố.
Chế tài nặng hơn nếu bỏ cọc
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản VN, phân tích việc có 2 trong tổng số 4 DN trúng đấu giá đất Thủ Thiêm bỏ cọc và 2 DN còn lại nguy cơ tiếp tục bỏ cọc cho thấy vụ đấu giá này không suôn sẻ. Điều này sẽ gây áp lực cho thành phố khi muốn tổ chức đấu giá lại những lô đất này hoặc các lô đất khác tại Thủ Thiêm, thậm chí ở các quận, huyện khác. Bởi giá đất dường như đã “neo” cho các dự án khác sau khi bị đẩy lên quá cao và DN cũng sẽ dè dặt hơn. Riêng trình tự thẩm định giá có thể sẽ lại kéo dài và từ đó các kế hoạch tiếp theo cũng bị kéo chậm lại.
Song song đó, áp lực từ dư luận xã hội, từ các cấp quản lý về việc làm thế nào để các lô đất đấu giá tiếp theo thành công, tránh bị DN lợi dụng đẩy giá lên cao để “kích” thị trường rồi bỏ cọc là rất lớn. Nhưng ngược lại, chậm đưa vào khai thác tài nguyên của nhà nước tương đương với việc sử dụng nguồn vốn kém hiệu quả. Từ đó, chắc chắn sẽ làm chậm tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế của TP.HCM.
Vì vậy, ông Đính đề nghị thành phố có thể tạm thời ban hành quy chế cho hoạt động đấu giá đất để tiếp tục triển khai các dự án khác như thẩm định năng lực của đơn vị tham gia đấu giá về uy tín, về khả năng triển khai dự án cũng như có đủ vốn thực hiện hay không? Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm một số hình thức chế tài nặng hơn trong trường hợp DN bỏ cọc sau khi trúng đấu giá.
Đồng quan điểm, chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh cũng cho rằng đến thời điểm này việc đấu giá đất Thủ Thiêm đã chưa được hoàn thành như kỳ vọng khiến ngân sách không thu đủ được số tiền như tính toán. Trong khi đó, các lô đất tiếp theo dự định đưa ra đấu giá cũng phải lùi lại, không đúng như kế hoạch và như vậy số tiền thu về cũng không như tính toán ban đầu. Về phía các DN, thời gian tới sẽ có sự e dè khi tham gia đấu giá. Còn cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải sàng lọc lại các khách hàng mục tiêu, có đủ năng lực, là những đơn vị thật sự cần quỹ đất để phát triển dự án theo mong muốn của thành phố là phát triển đô thị hiện đại văn minh hơn.
|
“Thành phố cũng cần có một kế hoạch B để lỡ xảy ra việc DN hủy đấu giá sẽ có ngay phương án thay thế chứ không phải lúng túng như hiện nay. Thời gian tới việc đấu giá đất sẽ chuyên nghiệp, chặt chẽ hơn vì các bên rút kinh nghiệm từ vụ đấu giá này và giá khởi điểm có thể thay đổi theo hướng nhích lên để sát hơn với giá thị trường. Nếu có kế hoạch dự phòng thì hậu quả đỡ hơn nên mấy tháng nay cứ loay hoay với vụ này”, ông Chánh nói.
TP.HCM đang đứng ở ngã ba đường nên có thể sẽ chưa thể thực hiện đấu giá được các lô đất tiếp theo. Việc đưa ra đấu giá đất công dù ở đâu thì có thể cũng phải chờ xử lý kết quả đấu giá của 4 lô đất ở Thủ Thiêm. Bởi có thể còn liên quan đến việc có quy định mới hay không? Phương thức đấu giá như thế nào?... Ông Huỳnh Phước Nghĩa |
Đình Sơn