Vietstock - BIS: Các NHTW trên thế giới không thể lờ đi sự bùng nổ của Bitcoin
Các ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới không thể ngồi yên và lờ đi đà tăng trưởng của các đồng tiền kỹ thuật số vì có thể gây ra rủi ro cho sự ổn định của hệ thống tài chính. Đây là quan điểm của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), Bloomberg cho hay.
Cụ thể, cơ quan này cho hay các NHTW sẽ cần phải giải quyết câu hỏi liệu có nên phát hành một loại tiền ảo của riêng mình hay không và nếu có thì những đặc tính cần thiết của đồng tiền này là gì? Và việc giải đáp câu hỏi trên đã trở nên cấp thiết hơn ở các quốc gia như Thụy Điển – nơi tỷ lệ sử dụng tiền mặt ngày càng giảm.
Các định chế cần phải tính tới vấn đề bảo mật và tính hiệu quả của hệ thống thanh toán, cũng như các tác động của nó đến chính sách kinh tế, tài chính và tiền tệ, BIS cho biết trong Đánh giá hàng quý (Quarterly Review).
BIS đưa ra bản đánh giá hàng quý tại thời điểm kết thúc một tuần đầy khó khăn đối với các đồng tiền ảo. Cụ thể, Jamie Dimon, Giám đốc điều hành (CEO) của JPMorgan, đã gọi Bitcoin là “trò lừa bịp”, và Trung Quốc ra sức kiểm soát chặt chẽ hoạt động giao dịch tiền ảo trong nước. Tính tới lúc 8h40 (giờ Việt Nam) ngày thứ Hai, giá Bitcoin dao động ở mức 3,752.31 USD và giá Ethereum ở mức 269.75 USD.
Diễn biến của Bitcoin trong 24 giờ qua
Nguồn: CoinDesk
|
Tuy nhiên, khi Bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số khác ngày càng trở nên phổ biến như một hệ thống thanh toán di động và nhà đầu tư đổ xô rót vốn vào tiền ảo, các NHTW đang bắt đầu nghiên cứu sâu về chúng và cả công nghệ nền tảng Blockchain với hy vọng sẽ đẩy nhanh quá trình thanh toán bù trừ. Tại Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Mark Carney đã xem các đồng tiền ảo như là một phần của một cuộc cách mạng tiềm năng trong lĩnh vực tài chính.
Để hiểu tốt hơn hệ thống trên, Ngân hàng Trung ương Hà Lan đã tạo ra đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình, nhưng chỉ sử dụng nội bộ. Các quan chức Mỹ đang khám phá về vấn đề này, mặc dù trong tháng 3/2017, Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell, cho biết cần phải nghiên cứu thêm những vấn đề quan trọng về chính sách như khả năng dễ tác động trước các đợt tấn công mạng, tính bảo mật và giả mạo.