Vietstock - Bên trong một trong những nhà máy đào Bitcoin lớn nhất thế giới
Họ từng là công nhân nhà máy sản xuất và cũng là thợ đào mỏ than. Khí thế họ hừng hựt dâng cao khi sự phất lên của ngành than đá hứa hẹn đem lại nhiều nhà máy và việc làm tới vùng đồng cỏ ở Nội Mông. Tuy nhiên, khi sự bùng nổ qua đi, họ trở nên thất nghiệp và đổ xô đi tìm công việc ở bất cứ nơi nào có thể, New York Times cho hay.
Hiện nay, nhiều người đã tìm thấy cơ hội mới từ tiền ảo.
Tọa lạc ở Khu vực Phát triển Kinh tế Dalad (DEDZ) là một trong những nhà máy đào Bitcoin lớn nhất trên thế giới. Dãy 8 nhà máy với vòm mái màu xanh biếc sản xuất ra khoảng 1/20 lượng tiền ảo trên thế giới mỗi ngày.
Dựa trên mức giá ngày 13/09, lượng Bitcoin mà nhà máy trên tạo ra có giá trị là 318,000 USD mỗi ngày.
Nhìn từ phía ngoài, Nhà máy trên – dưới sự kiểm soát của công ty Bitmain China – dường như không quá khác biệt với những tòa nhà khác trong khu vực DEDZ.
Bên cạnh tổ hợp nhà máy đào Bitcoin là các nhà máy hóa chất và nhà máy luyện nhôm. Trong đó, có một số tòa nhà trong khu vực còn chưa xây xong và có lẽ sẽ không bao giờ hoàn thành. Những con đường hầu như rất yên tĩnh trừ những lúc có một số chiếc xe tải chở than đi qua.
Bên trong nhà máy đào Bitcoin không hề có máy móc công nghiệp nặng, mà thay vào đó các công nhân phải quản lý tổng cộng gần 25,000 máy tính chuyên giải quyết các thuật toán để tạo Bitcoin.
Những công nhân mang theo mình máy tính xách tay khi họ đi dọc theo hành lang để phát hiện sự cố và kiểm tra kết nối dây cáp. Họ đổ nước vào các bồ chứa để làm mát các máy tính, và ngăn chúng không rơi vào tình trạng quá nhiệt và bốc cháy. Xung quanh những chiếc máy tính là hàng trăm ngàn cái quạt tản nhiệt với tiếng gió thổi vi vu.
Những tín đồ Bitcoin cho rằng đây sẽ là đồng tiền của tương lai. Vốn thuần là tiền kỹ thuật số, chúng có thể chuyển dịch khắp thế giới một cách ẩn danh mà không có sự giám sát của bất kỳ cơ quan trung ương nào. Điều này tạo nên sự hấp dẫn của Bitcoin đối với các nhóm người đa dạng và đôi khi cũng chả ăn nhập gì với nhau, như những người đam mê công nghệ, những người thuộc chủ nghĩa tự do dân sự, hacker và cả tội phạm.
Bitcoin cũng được khai thác rất nhiều ở Trung Quốc. Quốc gia này tạo ra hơn 2/3 lượng Bitcoin hàng ngày. Công ty Bitmain – do Jihan Wu, từng là chuyên gia phân tích đầu tư, sáng lập ra – tạo ra lợi nhuận chủ yếu bằng cách bán thiết bị khai thác Bitcoin cũng như tự “đào” cho bản thân.
Trung Quốc có nhiều quan điểm trái chiều về Bitcoin.
Một mặt, Chính phủ Trung Quốc lo lắng rằng Bitcoin sẽ cho phép người dân nước này lờ đi các giới hạn nghiêm ngặt để chuyển tiền ra nước ngoài một cách thoải mái, và còn có thể bị các tội phạm khai thác. Các quan chức Trung Quốc đang lên kế hoạch đóng cửa các sàn giao dịch Bitcoin – nơi có thể mua và bán đồng tiền này. Tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất Bitcoin nhưng điều này sẽ khiến hoạt động mua và bán Bitcoin trở nên đắt đỏ hơn ở một trong những thị trường chủ chốt, thậm chí còn có khả năng làm giảm giá.
Mặt khác, đồng Bitcoin có thể tạo ra một cơ hội để Trung Quốc đẩy mạnh công nghệ mới, khi nước này đang đầu tư mạnh vào các lĩnh vực tiên tiến khác như xe hơi không người lái và trí tuệ nhân tạo (AI). Tại Trung Quốc, những công ty khai thác Bitcoin, như Bitmain, cũng hưởng lợi nhờ giá điện rẻ và các ưu đãi khác.
Mặc dù Dalad Banner cách khá xa với các trung tâm công nghệ của Trung Quốc, nhưng Bitcoin đã mang lại cho cư dân nơi đây một cơ hội mới mẻ về nền kinh tế kỹ thuật số.
Wang Wei, nhà quản lý cơ sở Dalad Banner, cho biết: “Hiện nay nhà máy đào Bitcoin có khoảng 50 nhân viên. Tôi cảm thấy, trong tương lai, nhà máy này có thể mang lại hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn việc làm như các nhà máy lớn”.
Ông Wang – một cư dân 36 tuổi và từng là người bán than – đã mua 1 Bitcoin từ 6 tháng trước. Và giá Bitcoin đã tăng hơn gấp đôi kể từ thời điểm đó. Ông cho biết: “Tôi đã kiếm được khá nhiều tiền”.
Trung Quốc cũng nhận thấy một nguồn việc làm tiềm năng mới, đặc biệt là ở những nơi chưa phát triển như Dalad Banner. Khu vực này tọa lạc ở Sa mạc Kubuqi rộng lớn với trữ lượng than dồi dào và có các ngành công nghiệp nặng như sản xuất thép. Tuy nhiên, xét về khía cạnh phát triển kinh tế toàn diện thì Dalad lại bị tụt lại phía sau so với phần còn lại của Trung Quốc, Đây là một phần của khu đô thị Ordos – một thành phố cách Bắc Kinh 350 dặm và nổi tiếng vì có nhiều tòa nhà trống.
Thoạt nhìn, Dalad Banner có vẻ không giống như một nơi dành cho các công việc công nghệ cao.
Ông Li Shuangsheng (28 tuổi), nhân viên bảo trì hoạt động cho 1 trong tổ hợp 8 nhà máy, cho hay: “Trước đây, tôi không biết bất kỳ điều gì về Bitcoin”.
Ông nhảy từ việc này sang việc khác trước khi nhận việc ở nhà máy tại Dalad Banner của Bitmain China – một trong số ít những cơ hội việc làm tốt ở khu vực dân cư thưa thớt.
Ông Li vẫn chưa sở hữu một đồng Bitcoin nào, nhưng ông tỏ ra hạnh phúc với công việc và tự tìm hiểu về Bitcoin trên mạng khi có thời gian rảnh. Ông bộc bạch: “Giờ đây, tôi dần có một vài ý tưởng”.
Nhiều người ở mỏ đào đã chứng kiến sự thăng trầm của nền kinh tế Trung Quốc trong những năm qua.
Bai Xiaotu đã bị sa thải khỏi một nhà máy sản xuất đồ nội thất trong năm 1997. Ông đã làm nhiều công việc khác nhau cho đến khi trở thành nhân viên vệ sinh ở mỏ đào Dalad Banner trong tháng 12 năm ngoái.
Ông Bai, 53 tuổi với một khuôn mặt bị hành hạ bởi thời tiết, cho biết: “Nhìn xung quanh, có những nhà máy bị bỏ hoang ở cả hai bên nhà máy của chúng tôi. Nhiều nhà máy không hoạt động tốt như thế này”.
Tuy nhiên, ngành tiền ảo vẫn còn khá xa lạ đối với phần lớn người dân. Con trai của ông Bai Xiaotu là Bai Dong (31 tuổi) chưa bao giờ biết tới Bitcoin vào thời điểm cha của anh nhận việc. Sau khi tìm hiểu trên mạng, anh thấy rằng nhà máy đào Bitcoin ở Dalad là một trong những mỏ đào Bitcoin lớn nhất trên thế giới. Anh Bai Dong cho hay: “Tôi cảm thấy lạc quan về tương lai của ngành tiền ảo”.
Dẫu vậy, anh vẫn rất bối rối về hoạt động đào Bitcoin.
“Chúng tôi có các mỏ than. Giờ thì có một mỏ Bitcoin. Cả 2 đều là mỏ. Vậy mối tương quan ở đây là gì?”, anh tự hỏi.