Vietstock - Xuất khẩu tôm giảm mạnh ở thị trường Mỹ, EU
Tháng 9/2022, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 349 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu đạt 3.4 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 9 năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam có xu hướng tăng ở các thị trường châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc trong khi trầm lắng ở các thị trường phương Tây như Mỹ, EU.
Mặc dù xuất khẩu tôm tháng 9 vẫn tăng 13% so với cùng kỳ nhưng đây không phải điều đáng lạc quan vì cùng thời điểm này năm ngoái, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu phải dừng hoặc giảm công suất hoạt động do giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu trong tháng 9 năm nay ghi nhận giảm so với các tháng trước đó, cụ thể giảm 12% so với tháng 8 năm nay.
Tình hình lạm phát tại Mỹ, EU ngày một tăng. Giá đồng EUR, đồng Bảng, đồng Yên xuống thấp làm giảm sức mua. Đồng USD có giá nhưng tại thị trường Mỹ, doanh nghiệp phải cạnh tranh mạnh với tôm giá rẻ từ Ecuador và Ấn Độ. Do vậy, xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm mạnh, xuất khẩu sang EU trầm lắng.
Doanh nghiệp tận dụng khoảng cách địa lý gần từ các thị trường châu Á nên xuất khẩu sang các thị trường này có phần sôi động hơn. Trong bối cảnh trên, tình hình nuôi tôm trong nước không khả quan khiến giá tôm thương phẩm khá cao, thêm bất lợi cho doanh nghiệp chế biến. Dự kiến, xuất khẩu tôm từ tháng 9 đến hết năm, xuất khẩu tôm sẽ còn tiếp tục giảm so với những tháng trước đó. Kim ngạch xuất khẩu tôm cả năm nay dự kiến chỉ xấp xỉ hoặc tăng nhẹ so với năm ngoái.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 9/2022 đạt 57 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 675 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số các thị trường nhập khẩu chính, Mỹ là thị trường ghi nhận giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhất.
Theo số liệu nhập khẩu tôm của Mỹ, nhập khẩu tôm của nước này trong tháng 8 năm nay đạt 71,666 tấn, trị giá 665 triệu USD, giảm 20% về khối lượng và 19% về giá trị so với tháng 8 năm ngoái. nhập khẩu tôm vào Mỹ từ Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan cũng giảm, chỉ tăng nhẹ nhập khẩu từ Ecuador, nhập khẩu từ Việt Nam giảm mạnh nhất.
Lạm phát tăng, tồn kho còn nhiều trong khi sức mua giảm, các vấn đề về vận chuyển, kho lạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 được cho là những nguyên nhân khiến Mỹ giảm nhập khẩu tôm. Đến cuối năm, nếu tồn kho giảm bớt, nhu cầu tiêu thụ tôm của Mỹ có thể nhích nhẹ để phục vụ Lễ hội cuối năm.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong tháng 9/2022 cũng giảm 0,5% đạt 49 triệu USD. xuất khẩu sang Hà Lan chỉ tăng nhẹ 1% trong khi xuất khẩu sang Bỉ giảm 13%. Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này tăng 40% đạt trên 570 triệu USD.
Trái với đà giảm sang thị trường Mỹ, EU, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản và Hàn Quốc tăng lần lượt 61% và 20% trong tháng 9/2022. Lũy kế 9 tháng, giá trị xuất khẩu sang 2 thị trường này đạt 515 triệu USD và 365 triệu USD, tăng lần lượt 24% và 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, tháng 9/2022, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc bật tăng hơn 100% đạt 70 triệu USD. Đà tăng này khiến Trung Quốc vượt qua Mỹ, trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong tháng 9. Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt 483 triệu USD, tăng 62% so với cùng kỳ.
Sản lượng tôm nội địa của Trung Quốc sụt giảm do thời tiết bất lợi, dịch bệnh trên tôm ở một số khu vực sản xuất tôm chính. Nhu cầu nhập khẩu tôm tăng để phục vụ lễ hội Trung thu và ngày Quốc Khánh, khiến Trung Quốc tăng cường nhập khẩu tôm.
Theo Hải quan Trung Quốc, tháng 8/2022, nhập khẩu tôm của Trung Quốc đạt 680 triệu USD, tăng 97% so với tháng 8/2021 và là tháng có giá trị nhập khẩu cao nhất từ trước tới nay. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp, nhập khẩu tôm của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục. Lũy kế 8 tháng đầu năm, nhập khẩu tôm của Trung Quốc đạt 3,8 tỷ USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 8/2022, nhập khẩu tôm của Trung Quốc từ các nguồn cung cấp chính đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu tôm từ Ecuador, Canada, Indonesia và Argentina.
Nhập khẩu tôm vào Trung Quốc tăng liên tục lên mức kỷ lục trong tháng 7 và 8 năm nay cho thấy nhu cầu tiêu thụ nội địa và chế biến xuất khẩu của thị trường này đang ở mức cao. Dự kiến, nhập khẩu tôm của Trung Quốc trong những tháng cuối năm 2022 tiếp tục tăng mạnh.
Vũ Hạo (Theo Vasep)