Theo Dong Hai
Investing.com – Ông Yeoh Wee Jin, Tổng thư ký Viện Sắt thép Đông Nam Á và Tiến sĩ Ong Kian Ming nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế cho biết kỳ vọng lĩnh vực bất động sản và xây dựng của Trung Quốc phục hồi hậu COVID-19 đã không thành hiện thực, theo The Edge Malaysia.
Đồng thời, do “hạn ngạch” sản xuất của các công ty thép, đặc biệt là ở cấp tỉnh, sản lượng thép dự kiến sẽ tăng 5% trong năm 2023 lên hơn 1 tỷ tấn mà không có bất kỳ chính sách kiểm soát nào từ Bắc Kinh. Theo SteelMint, xuất khẩu thép của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục 89 triệu tấn vào năm 2023.
Tình trạng dư thừa công suất dẫn đến xuất khẩu thép tăng vọt này có tác động dây chuyền đến Đông Nam Á, bao gồm cả Malaysia. Trong ngắn hạn, thị trường trong khu vực được dự báo sẽ tràn ngập thép Trung Quốc giá rẻ, một số được bán với giá thấp hơn giá thành sản xuất thông qua hành vi “bán phá giá”.
Liệu “cơn sóng thần” xuất khẩu thép được trợ cấp của Trung Quốc từng diễn ra vào giữa những năm 2010 sẽ lặp lại?
Về lâu dài, tình trạng dư thừa công suất này đặt ra câu hỏi về chiến lược cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng năng lực sản xuất thép ở mức chưa từng có trong khu vực.
Theo số liệu mới nhất do Viện Gang thép Đông Nam Á (SEAISI) thu thập, ước tính đến năm 2029-2030, tổng công suất sản xuất sẽ đạt 182,5 triệu tấn, nếu lắp đặt toàn bộ công suất công bố. Con số này gấp hơn 2,3 lần công suất hiện nay ở mức 78,1 triệu tấn.
Tuy nhiên, không phải tất cả các dự án đã công bố trong khu vực sẽ được hiện thực hóa, đặc biệt là do lĩnh vực xây dựng và bất động sản yếu kém của Trung Quốc khó có khả năng phục hồi sớm. Nhiều dự án trong số này được công bố với mục đích phục vụ cho hoạt động xuất khẩu của ngành thép Trung Quốc.
Ngay cả khi một số dự án này không thành hiện thực, các công ty thép ở ASEAN vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Năm 2022, nhu cầu thép của ASEAN-6 là 75,1 triệu tấn, với công suất thép thô là 78,1 triệu tấn. Sản lượng đạt 50,5 triệu tấn với công suất sử dụng là 64,6% (dưới mức lành mạnh là 80%). Nhập khẩu là 43,8 triệu tấn, tương đương 58% nhu cầu thép của ASEAN.
Tại Malaysia, tình hình còn nghiêm trọng hơn đối với các doanh nghiệp thép trong nước. Theo SEASI, ngành thép dài (dây, thanh) của Malaysia đã rơi vào tình trạng dư thừa công suất vào năm 2018. Nhu cầu trong nước là 5,4 triệu tấn, công suất khoảng 10,6 triệu tấn, trong khi sản lượng là 3,6 triệu tấn. Tỷ lệ sử dụng chỉ đạt 33,6%.
Thêm vào đó, 4 công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất thép dài được niêm yết đã lỗ 853 triệu RM (gần 199 triệu USD) trong 6 quý. Từ năm 2018 đến năm 2022, tổng thiệt hại của 4 nhà máy thép lớn trong nước lên tới 1,35 tỷ RM. Những rủi ro liên quan đến những tổn thất như vậy đã dẫn đến khó khăn tài chính cho người sản xuất, họ không có khả năng huy động vốn, nguy cơ mất việc làm và các vấn đề xã hội trong nước. Đồng thời, người mới tham gia thị trường đang được chính phủ miễn thuế 15 năm.
Công ty mới gia nhập Malaysia sử dụng công nghệ lò cao (BF), công nghệ này gây ô nhiễm nhiều hơn công nghệ lò hồ quang điện (EAF) đang được một số công ty địa phương sử dụng. Hệ thống BF gây ô nhiễm hơn 3 lần so với hệ thống EAF. Điều này rõ ràng ảnh hưởng đối với lộ trình đạt Net Zero của Malaysia vào năm 2050.
Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) đã thực hiện lệnh cấm thành lập nhà máy thép mới kéo dài trong 2 năm, bắt đầu từ ngày 15/8/2023 nhằm nghiên cứu, cập nhật định hướng phát triển của ngành, phù hợp với Quy hoạch Tổng thể Công nghiệp Mới 2030.
Điều đáng khích lệ là Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Tengku Datuk Seri Zafrul Abdul Aziz gần đây đã thành lập một ủy ban độc lập để cung cấp đầu vào chiến lược cho ngành sắt thép. Ủy ban này do Giám đốc điều hành HSBC Datuk Omar Siddiq làm Chủ tịch, ông Yeoh Wee Jin, và Tiến sỹ Ong Kian Ming là thành viên của ủy ban, có trách nhiệm đưa ra đề xuất, định hướng cho tương lai của ngành thép ở Malaysia.