Vietstock - Vì sao giá cà phê tăng mạnh chưa từng thấy?
Giá cà phê robusta trên thị trường quốc tế vừa chạm mức đỉnh mới trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt gây khó khăn cho việc gieo trồng cà phê, trong khi nhu cầu tiêu thụ ở châu Á ngày càng tăng. Ngoài ra, nguyên nhân còn đến từ làn sóng chuyển sang trồng sầu riêng ở Việt Nam – đất nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới.
“Mọi thứ thật khó khăn khi hạt cà phê và trứng ngày càng đắt đỏ”, cô Nguyễn Hương Giang tại quán cafe Giảng, nằm ở khu phố cổ thủ đô Hà Nội, cho biết.
Cafe Giảng ở Hà Nội
|
Được thành lập vào năm 1946, quán cà phê được biết đến là nơi sản sinh ra cà phê trứng, một đặc sản địa phương được làm từ cà phê Robusta và trứng đánh bông. Giờ đây, chi phí gia tăng đã gây áp lực đáng kể lên tình hình tài chính của công ty.
Dù vậy, quán cà phê này cho biết sẽ không thay đổi mức giá 35,000 đồng (1.38 USD) một cốc, chỉ bằng một nửa giá tại Starbucks – vốn đã mở thị trấn.
“Chúng tôi không dễ dàng tăng giá khi nghĩ đến những khách hàng quen đã đến từ thời ông nội tôi”, nhà sáng lập quán cà phê, Giang nói. Quán cà phê hiện cũng cung cấp đồ nướng và hạt cà phê nguyên hạt để đối phó với tình trạng căng thẳng về tài chính.
Hợp đồng tương lai cà phê robusta ở London lập đỉnh mới vào cuối tháng 4/2024, vượt 4,500 USD/tấn. Dù thị trường đã hạ nhiệt sau đó, nhưng giá vẫn còn cao hơn nhiều so với cuối năm 2023.
Làn sóng đổ xô trồng sầu riêng
Việt Nam là nước sản xuất hạt cà phê lớn thứ hai thế giới và cũng là nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất. Nhưng nhiều nông dân tại đất nước hình chữ S đang chuyển sang trồng sầu riêng, một loại trái cây nổi tiếng vì có bề ngoài gai góc, vị ngọt và mùi hăng.
Được mệnh danh là “vua của các loại trái cây”, sầu riêng trở nên nổi tiếng ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Trong năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 2 tỷ USD sầu riêng sang Trung Quốc, gấp hơn 5 lần của năm 2022, và có thể còn tăng thêm trong năm nay.
Làn sóng đổ xô sang trồng sầu riêng đã làm giảm diện tích gieo trồng cây cà phê, từ đó làm giảm nguồn cung. Cà phê phát triển tốt nhất ở vùng nhiệt đới và việc tìm đất mới để trồng cà phê ngày càng khó khăn khi các nước nỗ lực chống lại nạn phá rừng.
Sự chuyển dịch này xảy ra trong bối cảnh nguồn cung ngày càng khan hiếm do hiện tượng thời tiết El Nino gây ra hạn hán ở Đông Nam Á.
Tổ chức Cà phê Quốc tế báo cáo rằng sản lượng cà phê của Việt Nam đạt tổng cộng 29.2 triệu bao loại 60 kg từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023, giảm 9.8% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Trời quá nóng và không đủ nước nên cà phê không phát triển tốt”, Ngọc, một người bán hạt cà phê ở TP.HCM cho biết. Bà có hợp đồng với một trang trại ở nội địa tỉnh Đăk Nông nhưng cho biết cây trồng ở đó héo úa do hạn hán kéo dài.
Một yếu tố khác là các công ty lớn của châu Âu và Mỹ đang chuyển từ giống Arabica cao cấp, chủ yếu được sản xuất ở Trung và Nam Mỹ, sang loại cà phê Robusta tương đối rẻ tiền để ứng phó với chi phí vận chuyển và nhiên liệu tăng cao, nhà giao dịch Nhật Bản Marubeni cho biết.
Các yếu tố mang tính cấu trúc như mức tiêu dùng ngày càng tăng ở Đông Nam Á và Trung Quốc cũng góp phần vào điều này. Từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tiêu thụ tổng cộng 44.5 triệu bao, hơn 1/4 tổng lượng tiêu thụ của thế giới và tăng 12% so với 4 năm trước đó. Tiêu thụ toàn cầu nói chung chỉ tăng 1% trong giai đoạn này.
Ở Việt Nam, việc ngồi trò chuyện bên tách cà phê trên vỉa hè đã trở nên phổ biến. Mặc dù đất nước này được cho là đã bắt đầu trồng cà phê từ thế kỷ 19, nhưng thức uống này chỉ bắt đầu trở nên phổ biến vào thập niên 80. Nhu cầu đã tăng lên khi nền kinh tế Việt Nam phát triển.
Tiêu thụ ở các nước sản xuất cà phê ở Đông Nam Á trước đây chủ yếu là cà phê chất lượng thấp không phù hợp để xuất khẩu. Nhưng với sự phát triển của Starbucks và các cửa hàng cà phê khác, nhu cầu địa phương về hạt cà phê chất lượng cao đang tăng lên.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)