Vietstock - Vàng thế giới về mức thấp nhất trong 29 tháng
Giá vàng suy yếu vào ngày thứ Hai (19/9), lùi về mức thấp nhất trong 29 tháng đã ghi nhận vào ngày thứ Sáu (16/8), khi đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất mạnh khi cơ quan này nhóm họp trong tuần này.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng vàng giao ngay nhích 0.01% lên 1,675.1667 USD/oz, dao động ngay trên mức mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020 vào ngày 16/9. Hợp đồng vàng tương lai lùi 0.06% xuống 1,684.50 USD/oz.
Daniel Pavilonis, Chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, nhận định: “Vàng vẫn đang dao động tại các mức đáy và một phần lớn nguyên do của điều này là dự báo về quyết định của Fed vào ngày thứ Tư (21/9)”. Ông Pavilonis cũng nói thêm rằng lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cao cũng gây áp lực lên giá vàng.
Fed, khi kết thúc cuộc họp chính sách 2 ngày vào ngày 21/9, được dự báo sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản để đối phó với lạm phát cao, với các thị trường thậm chí còn nhận thấy khả năng 20% Fed sẽ nâng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản.
Những lo ngại về lạm phát cao cũng đã thúc đẩy các ngân hàng trung ương khác thắt chặt chính sách tiền tệ.
Mặc dù vàng được xem là một kênh phòng ngừa lạm phát, nhưng lãi suất cao làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ kim loại không đem lại lợi suất.
Đồng USD dao động gần mức cao nhất trong 2 thập kỷ, làm vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nước ngoài.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiến lên mức cao nhất trong hơn 11 năm.
Edward Moya, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Oanda, nhận định: “Điều đang thúc đẩy sự do dự đối với việc mở trọng quy mô sang vị thế dài hạn với vàng là các nhà đầu tư không bị thuyết phục rằng ngay cả khi Fed tạm ngưng thắt chặt chính sách, điều đó có thể không đảm bảo họ đã hoàn thành việc nâng lãi suất”.
An Trần (theo CNBC)