Vietstock - Thiếu khí đốt, dân châu Âu đốt mọi thứ có thể để sưởi ấm
Cách không xa sân bay Tempelhof ở Berlin, Đức, Peter Engelke đang lắp đặt một cổng an ninh mới tại nhà kho của mình vì lo ngại rằng những người tuyệt vọng sẽ ăn cắp hàng của ông. Và thứ tài sản quý giá đó là củi.
Củi gỗ được săn lùng mọi nơi
Hành động của ông Engelke phản ánh tâm lý lo lắng ngày càng bao phủ khắp châu Âu khi khu vực này phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng và nguy cơ bị mất điện trong mùa đông năm nay. Vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream rõ ràng là dấu hiệu mới nhất cho thấy điểm yếu của châu Âu khi Nga cắt giảm nguồn cung.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Prague vào ngày 07/10, các lãnh đạo của Liên minh châu Âu đều không đồng tình về việc áp trần giá khí đốt vì lo ngại rằng hành động như vậy có thể đe doạ đến nguồn cung cho khu vực. Khoảng 70% hệ thống sưởi của châu Âu hoạt động nhờ khí đốt tự nhiên và điện. Và với việc Nga giảm đáng kể nguồn cung sang khu vực này, gỗ lại trở thành một mặt hàng được săn lùng.
Giá viên nén gỗ tăng gần gấp đôi lên 600 euro/tấn ở Pháp và thị trường đang có dấu hiệu mua trong hoảng loạn. Chính phủ Hungary thậm chí đi xa hơn đến mức cấm xuất khẩu viên nén gỗ và Romania áp trần giá củi gỗ trong 6 tháng. Trong khi đó, bếp củi có thể mất vài tháng để giao hàng tới người mua.
Cùng với lo ngại về tình trạng thiếu hụt củi gỗ, cuộc khủng hoảng năng lượng đang làm gia tăng chi phí sinh hoạt, với lạm phát ở khu vực đồng euro lần đầu tiên chạm mức 2 con số vào tháng 9. Các hộ gia đình có thu nhập thấp trên khắp châu Âu đang phải đối mặt với lựa chọn giữa việc đảm bảo hệ thống sưởi hay mua các đồ thiết yếu khác.
Nic Snell, Giám đốc điều hành của nhà bán lẻ củi gỗ Certainly Wood ở Anh, cho biết: “Mọi người đang quay lại ngày xưa khi họ không có hệ thống sưởi ấm cả ngôi nhà. Họ chỉ ngồi quanh đống lửa và sử dụng sức nóng từ bếp lửa hoặc lò sưởi và đi ngủ. Bạn sẽ còn thấy rất cảnh như thế trong mùa đông này”.
Xu hướng này đồng nghĩa nhu cầu mua bếp lửa của các hãng như Gabriel Kakelugnar AB sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Gabriel Kakelugnar là nhà sản xuất ra những chiếc bếp lửa lát gạch cao cấp có giá trung bình 86,000 kronor Thụy Điển (7,700 USD). Những chiếc bếp lửa này có thể giữ ấm cho một căn phòng trong 24 giờ nhờ cấu trúc sử dụng các kênh khác nhau để giữ và phân phối nhiệt.
Đơn đặt hàng đã tăng hơn 4 lần và khách hàng hiện phải đợi đến tháng 3 năm sau mới có hàng giao về. Một năm trước, đơn hàng như vậy chỉ mất 4 tuần để giao.
Thị trường thậm chí có dấu hiệu mua tích trữ. Ở Pháp, Frederic Coirier, Giám đốc điều hành của công ty sản xuất ống khói và nhiên liệu gỗ Poujoulat SA, cho biết một số khách hàng đã mua tới 2 tấn viên nén gỗ, trong khi thông thường cần chưa tới 1 tấn để sưởi ấm một ngôi nhà trong một năm.
Trond Fjortoft, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của công ty bán gỗ Kortreist Ved của Na Uy, chia sẻ: “Mọi người đang săn lùng gỗ và họ mua nhiều hơn bình thường. Thường thì điều đó xảy ra khi trời bắt đầu lạnh. Nhưng năm nay, mọi thứ bắt đầu ngay từ tháng 6, tức vào khoảng thời gian Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt”.
Tại Berlin, cuộc khủng hoảng này có thể tạo ra khủng cảnh hoang tàn giống như những gì sót lại sau Thế chiến II, khi người dân chặt gần như tất cả cây trong công viên trung tâm Tiergarten để đốt và sưởi ấm. Dù người dân Berlin hiện nay sẽ không tuyệt vọng tới nỗi hành động như vậy, song những lo ngại về khả năng giữ ấm trong mùa đông vẫn rất lớn.
Đốt những gì có thể
Khi Paulina Mroczkowska nhìn thấy đống rác trong sân của một xưởng gỗ bên kia đường ngày càng chất cao, cô bắt đầu suy nghĩ. Mối quan tâm của cô không phải là mối đe doạ từ rác thải không được thu gom mà là cách sử dụng chúng thế nào.
Ba Lan là nơi có 40 trong 100 thành phố có chất lượng không khí tồi tệ nhất ở Liên minh châu Âu vì phụ thuộc vào than để sưởi ấm cho các ngôi nhà. Nhưng hiện nay, tình trạng thiếu nhiên liệu và chi phí sinh hoạt tăng cao đang thúc đẩy mọi người đốt các chất thay thế, bao gồm cả rác thải sinh hoạt.
Khói bốc lên từ ống khói một hộ gia đình ở ngoại ô Krakow, Ba Lan.
|
Mroczkowska, 35 tuổi - một bà mẹ ba con đến từ Jablonna ở ngoại ô phía bắc Warsaw, cho biết: “Thật kinh khủng khi mới có mùa thu mà bạn đã ngửi thấy mùi rác bị đốt mỗi ngày. Hiếm lắm mới thấy mùi mà người ta đốt nhiên liệu thông thường. Thật đáng sợ khi nghĩ đến điều gì sẽ xảy ra lúc trời thực sự trở lạnh”.
Trong bối cảnh thiếu khí đốt, chính phủ Ba Lan đã tạm ngừng kiểm soát chất lượng đối với than và đang xem xét phát mặt nạ bảo hộ khi nhiệt độ giảm xuống.
Tháng trước, chính trị gia quyền lực nhất của đất nước này và là người đứng đầu đảng cầm quyền Luật pháp và Công lý, Jaroslaw Kaczynski đề nghị mọi người làm bất cứ điều gì cần thiết để giữ ấm bất chấp cam kết ngừng sử dụng thanđể phát điện vào năm 2050. Ông từng nói với những người ủng hộ ở Nowy Targ, miền nam Ba Lan, rằng: “Mọi người cần đốt hầu hết mọi thứ, ngoại trừ lốp xe và những thứ gây hại tương tự”.
Cũng trong tháng 9, hội đồng khu vực Malopolska ở Krakow, do Đảng Công lý và Pháp luật kiểm soát, đã bò phiếu trì hoãn lệnh cấm các lò nung, cho phép đốt bất cứ thứ gì, từ than tới rác thải, đến đầu năm 2024.
Theo Piotr Siergiej, phát ngôn viên của mạng lưới các nhà hoạt động môi trường Polski Alarm Smogowy, các cuộc khảo sát cho thấy 60% số hộ gia đình không có đủ nguồn cung cấp than. “Mọi người sợ hãi và họ đang thu thập bất cứ thứ gì có thể để đốt”, ông nói. Những thứ đó bao gồm than bùn, gỗ, than nâu, yến mạch và rác.
Ở Nowy Sacz, cách Krakow khoảng 100 km về phía đông nam, chính quyền đang đối mặt với một tình huống chưa từng có khi thành phố thu gom được ít rác hơn cùng kỳ năm ngoái, Thị trưởng Ludomir Handzel cho hay. “Chúng tôi nhận thấy sự sụt giảm đáng kể trong việc thu gom rác, đặc biệt là các vật liệu, ít nhất về lý thuyết, có thể phù hợp để đốt như giấy, bìa cứng và bao bì”.
Ở Đức, hiệp hội ống khói của quốc gia này cũng đang phải giải quyết rất nhiều yêu cầu kết nối bếp lửa cũ và mới. Khách hàng thậm chí còn hỏi về việc đốt phân ngựa và các nhiên liệu khó hiểu khác để giữ ấm.
Đối với nhiều người châu Âu, mối quan tâm lớn nhất hiện nay là làm bất cứ điều gì để giữ ấm trong những tháng tới. Nỗi lo ngày càng lớn khi mùa đông đang đến gần.
Roger Sedin, người đứng đầu bộ phận chất lượng không khí tại Cơ quan Bảo vệ Môi trường Thụy Điển nói: “Chúng tôi sợ rằng mọi người sẽ đốt những gì họ có thể đốt. Mức độ ô nhiễm có thể sẽ lên rất cao khi có những người không biết cách đốt củi sao cho đúng”. Việc đốt củi không đúng cách và tràn lan có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân, đặc biệt ở các khu vực thành thị.
* Khủng hoảng năng lượng thay đổi trật tự kinh tế châu Âu
Kim Dung (Theo Bloomberg)