Theo các chuyên gia, thị trường vật liệu xây dựng từ nay đến cuối năm sẽ chững lại do giá cả leo thang, tiêu thụ khó khăn và tồn kho tăng cao. Thông tin từ Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, với việc giá cả tăng cao, các dự án hạ tầng lớn gặp khó, chậm tiến độ khiến thị trường vật liệu xây dựng đang có dấu hiệu chững lại. Tiêu thụ hàng hóa khó khăn, tồn kho tăng cao đang là vấn đề chung của các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng hiện nay.
Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 9 tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng khá cao kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, chỉ số tồn kho ở một số lĩnh vực vẫn tăng cao như lĩnh vực vật liệu xây dựng.
Cụ thể, ở nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, chi số nhóm này trong tháng 9 đã tăng 0,94% so với tháng trước và tăng 4,4% do với cùng kỳ năm 2021 do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở và nhà ở thuê tăng.
Bên cạnh đó, giá vật liệu sửa chữa nhà ở cũng tăng do giá xi măng, gạch xây, gạch bê tông, tấm lợp, sơn tường tăng theo giá nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất.
Tính từ đầu năm, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng gần 8% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào. Trong đó, nhóm nguyên nhiên vật liệu dùng cho xây dựng, các sản phẩm gang, sắt thép, xi măng tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2021.
Đến cuối tháng 9, lượng xi măng tiêu thụ đạt khoảng 7,6 triệu tấn, giảm khoảng 1,26 triệu tấn so với tháng 8 trước đó và giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sản lượng xi măng tiêu thụ tại thị trường nội địa khoảng 5,4 triệu tấn; lượng xi măng xuất khẩu ước đạt khoảng 2,2 triệu tấn.
Kênh xuất khẩu suy yếu, bán hàng trong nước chậm do giá xi măng tăng cao dẫn đến tình trạng dư cung trầm trọng như tại khu vực miền Bắc. Hiện lượng tồn kho từ đầu năm đến nay gần 6 triệu tấn, tương đương khoảng 25 - 30 ngày sản xuất, chủ yếu là clinker.
Tương tự, với ngành thép, lượng hàng tồn kho tính đến ngày 31/6 của các doanh nghiệp thép niêm yết lên mức xấp xỉ 110.000 tỷ đồng. Đây là mức tồn kho kỷ lục của ngành thép từ trước tới nay, vượt xa đỉnh cũ hồi cuối quý III năm ngoái.
Lượng hàng tồn kho quá cao đã khiến các công ty thép buộc hạ giá bán nhằm kích cầu, khiến giá thép giảm mạnh trong thời gian qua.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, tiêu thụ thép trong tháng 9 gần 2 triệu tấn, giảm 7,2% so với tháng trước và giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 9, tồn kho của các nhà máy thép ở mức 1,6 triệu tấn trong bối cảnh tiêu thụ nội địa và xuất khẩu suy yếu.
Hiệp hội xi măng nhận định, năm 2022 là năm khó khăn của doanh nghiệp khi đầu ra thị trường vật liệu xây dựng hiện bị “chôn” theo thị trường bất động sản. Theo đó, không chỉ ở dòng vốn bị ứ đọng, tình trạng lãi suất vay rất cao cũng góp phần không nhỏ làm tình hình trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Mặc khác, giá xăng, dầu, than liên tục được điều chỉnh tăng từ đầu năm đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao, tạo áp lực cho lạm phát.
Đề xuất giải pháp gỡ bỏ "thẻ vàng" thủy sản Việt Nam
Xem thêm thông tin liên quan về hàng hóa: #giá hàng hóa #giá vật liệu xây dựng