Giá dầu chấm dứt chuỗi giảm Theo Oilprice, lúc 10 giờ ngày 14/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent giao tháng 12 tăng 0,14% lên 94,70 USD/thùng. Cùng thời điểm, giá dầu WTI của Mỹ tăng 0,18% lên mức 89,127 USD/thùng.
Sau chuỗi ba ngày “lao dốc không phanh”, giá dầu đã đảo chiều, leo dốc do mức tồn kho dầu diesel thấp trước khi mùa đông bắt đầu đã kích thích hoạt động mua. Giá dầu đang dần đảo ngược các khoản mất mát trước đó vốn chịu tác động một phần bởi dự trữ dầu thô và xăng tăng cao bất ngờ tại Mỹ.
Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, đã giảm 4,9 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 7/10, vượt xa kỳ vọng giảm 2 triệu thùng. Như vậy là tồn kho sản phẩm chưng cất chỉ còn 106,1 triệu thùng, thấp nhất kể từ tháng 5.
Ngược với sự giảm trong dự trữ sản phẩm chưng cất, theo EIA, tồn kho dầu của Mỹ đã tăng lên tới 9,9 triệu thùng, dự trữ xăng tăng thêm 2 triệu thùng.
IEA cũng cảnh báo rằng quyết định cắt giảm nguồn cung 2 triệu thùng/ngày của OPEC+ vào tuần trước có thể dẫn đến suy thoái toàn cầu. “Kế hoạch của OPEC+ đã làm lệch quỹ đạo tăng trưởng của nguồn cung dầu trong suốt thời gian còn lại của năm nay và năm sau”, IEA cho biết. Cơ quan này nhận xét giá cả tăng cao hơn làm trầm trọng thêm sự biến động của thị trường và gia tăng lo ngại về an ninh năng lượng.
IEA đã hạ thấp ước tính tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm nay xuống 1,9 triệu thùng/ngày và năm 2023 xuống 1,7 triệu thùng/ngày.
Giá khí đốt tự nhiên thế giới Giá gas (Hợp đồng tương lai khí tự nhiên Natural gas - mã hàng hoá: NGE) giảm 0,89% xuống mức 6,681 USD/mmBTU vào lúc 10 giờ ngày 14/10 (giờ Việt Nam).
Nhiều nhận định, Trung Quốc sẽ đứng ngoài thị trường giao ngay trong mùa Đông này do tăng trưởng nhu cầu giảm xuống mức thấp, giúp giảm bớt áp lực lên thị trường toàn cầu.
Các nhà phân tích tại JLC, SIA Energy và Rystad Energy dự đoán, mức tiêu thụ khí đốt nói chung của Trung Quốc sẽ giữ ổn định hoặc thậm chí giảm 2% xuống khoảng 370 tỷ mét khối trong năm nay, mức tăng trưởng chậm nhất kể từ ít nhất là năm 2002.
Nhập khẩu LNG cũng giảm sau khi giá giao ngay tại châu Á tăng mạnh trong mùa hè này, cuối cùng đạt đỉnh kỷ lục 70 USD/mmBTU do châu Âu rút hàng ra khỏi khu vực để bổ sung hàng tồn kho sau sự gián đoạn của Nga.
Ông Ricki Wang - Nhà phân tích của JLC - ước tính, từ các lô hàng trong quý IV có thể giảm 20% so với năm 2021 xuống còn 22,4 tỷ mét khối, tương đương 16,4 triệu tấn.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích LNG và khí đốt hàng đầu của ICIS - bà Alex Siow - thì có nhận định, về cơ bản, việc Trung Quốc ngừng đấu thầu mua hàng giao ngay là rất tốt vì có một ít hơn một bên để tranh giành hàng hóa.
Hiện tại, việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine vẫn ổn định, bao gồm cả các đơn đặt hàng cho ngày thứ Tư. Tuy nhiên, Thủ đô Kyiv của quốc gia này quyết định ngừng xuất khẩu khí đốt sang Liên minh châu Âu do cơ sở hạ tầng năng lượng bị thiệt hại, khiến thị trường lo lắng về rủi ro đối với đường ống dẫn khí đốt.
27 quốc gia Liên minh châu Âu đang lên kế hoạch cho động thái tiếp theo để kiềm chế giá năng lượng tăng vọt và bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hóa đơn tăng cao, khi châu Âu bước vào mùa đông khan hiếm khí đốt của Nga, khủng hoảng giá cả sinh hoạt và mối đe dọa suy thoái đang rình rập.
Một số quốc gia, bao gồm Đức, phản đối mức trần giá khí đốt rộng rãi, lo ngại nó sẽ khiến châu Âu gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn cung từ các thị trường toàn cầu trong mùa đông này.
Lực mua áp đảo trên thị trường kim loại Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/10, sắc xanh cho thấy xu hướng chiếm ưu thế trên thị trường kim loại. Đối với nhóm kim loại quý, lực mua vào cuối phiên đã giúp giá bạc thu hẹp lại đà giảm xuống còn 0,11%, chốt ngày ở mức giá 18,91 USD/ounce. Bạch kim bật tăng mạnh mẽ vào cuối ngày, kết thúc tại mức giá 896,4 USD/ounce sau khi tăng 1,75%.
Đối với nhóm kim loại quý, phiên sáng ngày 14/10, giá bạc (SIE) tăng 0,6% lên 18,98 USD/ounce. Bạch kim (PLE) tăng 1,84% lên mức 898,13 USD/ounce; giá đồng (CPE) tiếp tục tăng 0,3% lên 348,75 USD
Thị trường đã có những phản ứng khá bất ngờ đối với dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố vào tối qua. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 8,2% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn kỳ vọng ở mức 8,1% của các chuyên gia kinh tế.. Nếu so với tháng trước, CPI đã tăng 0,4% và vượt con số dự báo là 0,2%. Dollar Index tăng ngay sau dữ liệu này, nhưng bất ngờ đảo chiều giảm mạnh sau đó khi dòng tiền bắt đầu đổ vào các thị trường rủi ro. Một phần nguyên nhân đến từ Tuyên bố của Tổng thống Joe Biden cho rằng báo cáo lần này vẫn là một bước tiến bộ trong cuộc chiến chống lạm phát và nhấn mạnh Đạo luật Giảm phát của mình. Đà giảm của đồng USD đã hỗ trợ cho giá nhóm kim loại quý tăng mạnh vào cuối phiên khi áp lực chi phí nắm giữ giảm bớt và nhiều nhà đầu tư chốt lời.
Trên thị trường kim loại cơ bản, đồng COMEX liên tục đảo chiều tăng giảm trong phiên hôm qua. Giá đồng cũng đã chịu sức ép bán mạnh ngay sau thời điểm công bố CPI Mỹ, nhưng tương tự như nhóm kim loại quý, giá đảo chiều tăng trở lại do sự suy yếu của đồng bạc xanh. Bên cạnh đó, Giám đốc điều hành của Nexa, nhà sản xuất đồng và kẽm Nam Mỹ trong một cuộc phỏng vấn với Reuters nhận định rằng, dự kiến nguồn cung kim loại này sẽ bị thắt chặt do các nhà máy luyện kim ở châu Âu đóng cửa bởi giá năng lượng tăng vọt, và có thể là yếu tố thúc đẩy phí bảo hiểm nói chung.
Bên cạnh đó, tập đoàn Codelco của Chile, công ty khai thác đồng lớn nhất thế giới, đang chào bán đồng cho người mua châu Âu với mức phí bảo hiểm cao kỷ lục khoảng 235 USD/tấn cho năm 2023, tăng 85% so với năm 2022 trong bối cảnh khu vực này đang hạn chế tối đa nguồn đồng từ Nga. Kết phiên, giá đồng COMEX tăng 0,45% lên mức 3.44 USD/pound, đồng LME cũng tăng 0,37% lên 7.573 USD/tấn. Nhôm LME tiếp tục tăng vọt trước nguy cơ Mỹ sẽ cấm dòng chảy kim loại này từ Nga nhằm trả đũa cho các bất ổn địa chính trị leo thang.
OPEC tiếp tục giảm dự báo nhu cầu dầu thế giới, giá dầu hồi mạnh
Đọc thêm: Giá thép trong nước tiếp tục giảm hơn 500.000 đồng/tấn