Vietstock - Ngân hàng Nhà nước: Lập Tổ giám sát việc gia công vàng miếng từ vàng nguyên liệu
Thống đốc yêu cầu các đơn vị chức năng giám sát hoạt động gia công vàng miếng SJC từ vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước và quy chế quản lý khuôn sản xuất vàng miếng...
Thống đốc ra quy định mới về quản lý vàng miếng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
|
Ngày 4/1, Ngân hàng Nhà nước thông tin để chuẩn bị sẵn sàng phương án can thiệp, bình ổn thị trường vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 02 sửa đổi, bổ sung Quyết định 1623/QĐ-NHNN ngày 23/8/2012 về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 2/1.
Theo đó, Quyết định 02 sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến thành phần tham gia Tổ giám sát gia công vàng miếng và bổ sung trách nhiệm của một số đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước trong công tác tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ủy quyền cho Vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ ký Quyết định thành lập Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước để giám sát việc gia công vàng miếng từ vàng nguyên liệu.
Trách nhiệm của Chi cục Quản trị tại Thành phố Hồ Chí Minh và Chi cục Phát hành Kho quỹ, gửi danh sách cán bộ tham gia Tổ giám sát gia công vàng miếng từ vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước cho Vụ Kiểm toán nội bộ.
Bên cạnh đó, tổ cũng thực hiện các nhiệm vụ theo quy định, quy chế giám sát hoạt động gia công vàng miếng SJC từ vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước và quy chế quản lý khuôn sản xuất vàng miếng, máy dập vàng miếng và giám sát hoạt động gia công vàng miếng SJC từ vàng nguyên liệu không phải của Ngân hàng Nhà nước.
Thống đốc yêu cầu Vụ Kiểm toán nội bộ có trách nhiệm làm đầu mối xây dựng và trình Thống đốc phê duyệt Quy chế giám sát hoạt động gia công vàng miếng SJC từ vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước; ban hành Quyết định thành lập Tổ giám sát gia công vàng miếng từ vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước.
Cùng với đó, vụ xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra công tác giám sát hoạt động gia công vàng miếng SJC của Tổ giám sát hoạt động gia công vàng miếng từ vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, ngày 28/12/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn số 10064/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức kinh doanh kim khí quý, đã quý bao gồm các công ty kinh doanh vàng, các công ty trung gian thanh toán thực hiện một số nội dung.
Trong đó báo cáo Ngân hàng Nhà nước (Cục Phòng, chống rửa tiền) giao dịch giá trị lớn phải báo cáo theo quy định tại Điều 25 Luật phòng, chống rửa tiền, Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg ngày 27/4/2023 Thủ tướng Chính phủ và báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử theo Điều 34 Luật Phòng chống rửa tiền và Điều 9 Thông tư 09/2023/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền. Theo đó, các giao dịch mua, bán vàng có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước (Cục Phòng, chống rửa tiền).
Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua việc tăng cung vàng miếng SJC trong thời gian tới.
Giao dịch vàng tại doanh nghiệp. (Ảnh: PV/Vietnam+)
|
Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định không để giá vàng miếng chêch lệch lớn với giá vàng thế giới. Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét sửa Nghị định 24 nhằm kiểm soát giá vàng và đánh giá lại vai trò của SJC trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định Ngân hàng Nhà nước không chấp nhận sự chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới lên đến 20 triệu đồng/lượng như trong thời gian qua và chênh với các loại vàng khác hơn 10 triệu đồng/lượng.
Theo ông Tú, tất cả những bất cập còn tồn tại trên sẽ được xử lý triệt để trong quá trình sửa đổi Nghị định 24 trong thời gian tới.
Phó Thống đốc khẳng định Nhà nước không bảo hộ kinh doanh vàng bạc, nhất là vàng miếng và không bảo hộ giá vàng./.
Thúy Hà