Theo Hoang Nhan
Investing.com - Khi giá dầu thô đạt đỉnh mới vào đầu tháng 3 sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, giá xăng cũng đã nhanh chóng tăng theo. Giá xăng trong nước đã tăng khoảng 13% tính từ đầu năm đến nay. Tuy vậy, khi giá dầu thô giảm mạnh ( hiện giá dầu đã giảm gần 30% so với mức cao nhất trong tháng 3) giá xăng có giảm theo phần nào nhưng vẫn duy trì ở mức cao.
Mô hình này rất phổ biến, đến nỗi các nhà kinh tế đặt cho hiện tượng này một cái tên thú vị: “Tên lửa và cọng lông”. Đó là khi giá dầu thô nhảy vọt, giá xăng có xu hướng tăng như tên lửa. Nhưng khi giá dầu thô giảm, giá xăng lại chỉ giảm nhẹ như cọng lông rơi trong không khí.
Hiện tượng được ghi nhận rộng rãi này giúp giải thích lý do tại sao xăng vẫn đắt đỏ ngay cả khi giá dầu thô rẻ hơn và tại sao các trạm xăng có xu hướng kiếm được lợi nhuận nhiều hơn khi giá dầu giảm so với khi chúng tăng.
Các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách đưa ra vô số lý do giải thích cho hiện tượng này, từ lòng tham của các công ty đến sự thông đồng, nhưng lý do lớn nhất có thể chỉ đơn giản là sự quan tâm của người tiêu dùng.
Các tài xế mua sắm cẩn thận hơn khi giá đang tăng, và buộc các trạm xăng tại Mỹ phải cạnh tranh Matthew Lewis, nhà kinh tế và chuyên gia về giá xăng của Clemson cho biết.
Khi người lái xe đến một trạm xăng và thấy giá cao hơn họ mong đợi, họ nghĩ rằng họ có thể nhận được mức giá tốt hơn ở một nơi khác, Lewis nói. Họ không nhận ra rằng giá giao ngay của dầu WTI đang làm tăng chi phí xăng dầu ở khắp mọi nơi, vì vậy họ sẽ kiểm tra giá của một vài trạm nữa trước khi bơm.
Nhưng nếu cùng một người đó đến trạm xăng và thấy giá thấp hơn dự kiến, họ có sẽ nghĩ rằng mình đang có một mức giá hời - họ không biết rằng giá dầu thô thậm chí còn giảm nhiều hơn mức giá họ đang trả. Họ bơm xăng ngay lập tức, không cần cân nhắc.
Mô hình này được hình thành trong phân tích của Lewis về lưu lượng truy cập của nền tảng so sánh giá GasBuddy, được xuất bản trên Tạp chí Kinh tế Công nghiệp. Mọi người đổ xô đến xem trang web khi giá đang tăng nhưng hầu như bỏ qua khi giá giảm.
Với giá xăng tại Mỹ hiện ở mức 4,11 đô la, gần gấp đôi mức trung bình năm 2020 là khoảng 2,18 đô la một gallon và ở mức cao nhất mọi thời đại (trước khi tính đến lạm phát), người Mỹ rất nhạy cảm với sự thay đổi giá cả. Theo nghiên cứu bổ sung của Lewis và các cộng sự của ông, khi giá xăng cao hơn nhiều so với mức trung bình gần đây, các tài xế có xu hướng di chuyển ít lại và chờ đợi giá rẻ hơn.
Ở chiều ngược lại, các trạm xăng có xu hướng kiếm lợi nhuận lớn khi giá xăng giảm chậm. Khi giá tăng chóng mặt, các chủ trạm xăng kiếm được ít hơn và có thể thua lỗ trong môi trường siêu cạnh tranh hình thành bởi giá xăng đắt đỏ.
Tính trung bình, các trạm xăng có tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhiều vào năm 2020 khi giá thấp hơn so với năm 2022 khi giá đạt mức cao kỷ lục. Theo dữ liệu do công ty Dịch vụ Thông tin Giá Dầu (OPIS) cung cấp cho The Washington Post, vào năm 2020, khách hàng không mua nhiều xăng dầu nhưng các trạm xăng bỏ túi 87 xu cho mỗi 2,07 gallon xăng không pha chì được bán ra.
Khi giá tăng vọt vào đầu tháng 3, các trạm xăng chỉ kiếm được 35 xu trên mỗi gallon. Trong tuần gần đây nhất, khi giá dầu thô tiếp tục giảm, các trạm xăng đã bỏ túi 55 cent / gallon lợi nhuận trước chi phí nhân công và các chi phí khác. Đây là mức lợi nhuận tốt nhất của họ kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Patrick De Haan, trưởng bộ phận phân tích xăng dầu của GasBuddy cho biết, nhiều cây xăng nhập hàng mỗi ba đến năm ngày một lần. Khi giá tăng nhanh chóng, các cây xăng đầu tiên phải nhập hàng mới sẽ bị ảnh hưởng bởi giá cao, nhưng họ không thể chuyển chi phí cho khách hàng vì đối thủ cạnh tranh vẫn còn hàng tồn kho giá rẻ hơn.
Do đó, nhiều cây xăng bị lỗ do giá tăng. Nếu họ tăng giá trước khi đối thủ cạnh tranh tăng giá, họ sẽ mất đi vô số khách hàng quan tâm đến giá - đây cũng là đối tượng khách hàng vào tiệm bán lẻ tại cây xăng để mua kẹo và nước tăng lực có biên lợi nhuận cao. De Haan cho biết phải mất một vài ngày để các trạm xăng đẩy chi phí về phía khách hàng.
De Haan cho biết: “Sau khoảng 3-4 ngày, các trạm xăng sẽ bắt đầu đẩy mạnh chi phí về phía khách hàng. “Điều này đồng nghĩa là họ đã ở chậm trễ từ 72 đến 96 giờ. Vì vậy, họ bị lỗ một khoản đáng kể".
Các trạm có thể bù đắp những khoản lỗ đó bằng cách giảm giá chậm hơn khi giá dầu thô giảm. Và nếu giá giảm đủ thấp, các trạm xăng có thể kiếm lợi nhuận lớn.
Tom Kloza, trưởng bộ phận phân tích năng lượng toàn cầu của OPIS cho biết: “Lầm tưởng lớn nhất là các nhà bán lẻ thích giá dầu tăng, bởi vì họ kiếm được rất nhiều tiền. Thực tế là họ thích khi giá dầu giảm".
Lewis cho biết: Khi giá dầu thô giảm, giá xăng có thể được nâng lên bằng “sự thông đồng ngầm”. Điều đó nghe có vẻ mờ ám, nhưng đó là một quá trình hoàn toàn hợp pháp. Các chủ sở hữu cây xăng - không liên lạc với nhau thông qua bất kỳ phương tiện nào ngoài bảng báo giá tại các trạm xăng - nhận ra rằng tất cả họ sẽ có lợi nếu giá vẫn cao, vì vậy không ai muốn hạ giá xuống.
“Thành thật mà nói”, De Haan nói, “Các cây xăng đều kinh doanh vì lợi nhuận. Họ không muốn mất tiền khi giá dầu tăng và sau đó lại tự bắn vào chân mình bằng cách hạ giá quá nhanh khi giá dầu đi xuống".
Nhưng nếu các nhà bán lẻ không kiếm được tiền khi giá đang tăng, thì ai là bên hưởng lợi? Các nhà kinh tế nói rằng mặc dù các nhà máy lọc dầu có thể thấy một số lợi nhuận tạm thời, nhưng họ lại bị chính chi phí đầu vào gây sức ép lên biên lợi nhuận. Vì vậy, suy cho cùng chỉ có các công ty và quốc gia thực sự chế xuất được dầu hưởng lợi.
Nhà kinh tế học Severin Borenstein của Đại học California tại Berkeley cho biết: “Bất kỳ ai sản xuất được dầu đang kiếm được hàng tấn tiền ngay bây giờ”. “Điều đó không có nghĩa là các nhà sản xuất dầu đang làm gì đó để thao túng thị trường,” ông giải thích sau đó, “chỉ là họ là những người may mắn hưởng lợi từ một thị trường bị gián đoạn”.
Khi giá dầu tăng, các lãnh đạo công ty là những người hưởng lợi nhiều nhất. Theo phân tích của Tạp chí Năng lượng về việc trả lương tại 78 công ty năng lượng của Mỹ bởi nhà kinh tế học Catherine Hausman của Đại học Michigan và nhà kinh tế Lucas Davis của Đại học Michigan.
Các giám đốc điều hành có xu hướng được tăng lương đáng kể khi giá dầu leo thang, mặc dù giá thường được thúc đẩy bởi các yếu tố địa chính trị và các yếu tố khác nằm ngoài tầm kiểm soát của họ, Hausman nói. Và khi giá giảm, lương của họ không hề nhúc nhích.
Ngoài các nhà sản xuất dầu, các công ty thẻ tín dụng cũng có thể là những người hưởng lợi lớn nhất từ giá dầu cao, Kloza nói. Họ thu về một tỷ lệ phần trăm của bất kỳ khoản tiền nào mà khách hàng thanh toán tại cây xăng, vì vậy doanh thu của họ cũng tăng vọt cùng với giá khí đốt, nhưng họ không phải đầu tư thêm bất kỳ thời gian hoặc nguồn lực nào vào giao dịch.
Trong vòng vài tuần hoặc vài tháng, giá xăng sẽ bắt kịp với giá dầu khi các trạm xăng dần đẩy giá của nhau xuống trong một cuộc chiến chậm rãi, ổn định để giành lấy khách hàng. Nhưng ngay cả khi giá dầu thô giảm, chúng vẫn ở mức tương đối cao so với lịch sử, khiến giá xăng khó có khả năng giảm xuống mức trước đại dịch trong tương lai gần, các chuyên gia nhận định.