Vietstock - Phế liệu tồn ở cảng chưa thu tiền ký quỹ?
Theo quy định, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải có trách nhiệm ký quỹ. Thế nhưng số tiền ký quỹ này ở đâu, sử dụng làm gì thì hầu như không ai biết.
Phế liệu tồn đọng tại cảng vẫn chưa có dấu hiệu giảm
- NGUYÊN NGA
|
Tiền ký quỹ đang ở đâu?
Điều 57, Nghị định 38/2015 hướng dẫn luật Bảo vệ môi trường do Bộ TN-MT ban hành ghi rõ, mục đích của ký quỹ là để đảm bảo trách nhiệm khắc phục các rủi ro môi trường do việc không tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu phế liệu gây ra. Tổ chức, cá nhân “nhập khẩu phế liệu thực hiện ký quỹ tại Quỹ Bảo vệ môi trường VN hoặc ngân hàng thương mại nơi tổ chức, cá nhân mở tài khoản giao dịch chính”. Tiền ký quỹ được nộp, hoàn trả bằng tiền đồng VN, được hưởng lãi suất không kỳ hạn kể từ ngày ký quỹ. Một doanh nghiệp (DN) nhập khẩu giấy phế liệu dùng sản xuất tại Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tiền ký quỹ này được ngân hàng thương mại giữ từ tài khoản của DN và DN chỉ được làm thủ tục nhận lại tiền ký quỹ sau khi hàng đã được thông quan nhận về kho.
Thông tư 38 quy định, tiền ký quỹ nhập khẩu phế liệu dao động từ 10 - 20% trên tổng giá trị lô hàng. Với hàng chục ngàn container phế liệu tồn ngoài cảng hiện nay, số tiền ký quỹ không hề nhỏ.
Thế nhưng, tính đến thời điểm này, sử dụng tiền ký quỹ để xử lý rủi ro cho việc tồn đọng phế liệu hầu như chưa được đề cập đến. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một chi cục hải quan tại TP.HCM thừa nhận, ông chưa từng nghe nói việc dùng tiền ký quỹ để xử lý phế liệu tồn đọng.
Một chuyên gia thuế thuộc Cục Hải quan TP.HCM lý giải: “Phần lớn số tiền ký quỹ của hàng ngàn container phế liệu tồn chưa thu được do chưa được làm thủ tục thông quan”. Bởi theo Nghị định 38 thì “tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải thực hiện ký quỹ trước khi tiến hành thủ tục thông quan phế liệu nhập khẩu ít nhất 15 ngày làm việc”. Như vậy, việc ký quỹ chỉ tiến hành trước khi thông quan, sau khi đã có kết quả giám định hàng đạt chuẩn chứ không phải trước khi hàng dỡ xuống cảng. Đó là lý do hàng tồn ở cảng không có tiền ký quỹ.
Nên kiểm định phế liệu tại nguồn nhập
Theo GS-TS Nguyễn Lê Ninh, nguyên nhân gây ùn ứ lượng lớn container phế liệu tại các cảng và lúng túng trong xử lý một phần vì không có tiền. Năm 2014, thời điểm luật Bảo vệ môi trường được ban hành, những lo ngại về rác phế liệu nhập vào VN đã có nên các nhà làm luật mới quy định gắn bó trách nhiệm DN. Việc ký quỹ ở đây được hiểu là trước khi hàng dỡ xuống cảng DN phải ký quỹ ngay. Kiểm định cho thông quan hay không tính sau. Thế nhưng nghị định hướng dẫn thêm những chi tiết hết sức vô lý và khó hiểu dẫn tới tình trạng hàng ngàn container phế liệu nằm cảng mà không nộp tiền ký quỹ như nói trên.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia pháp lý của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN cho rằng, nguyên nhân lớn nhất gây nên tình trạng ùn ứ phế liệu tại các cảng là quy định bất nhất của Nghị định 38. Hiện các bộ ngành đang bàn tính nâng khoản ký quỹ, điều chỉnh các tiêu chuẩn phế liệu nhập… với mục đích hạn chế nhập khẩu phế liệu. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng lúc này là cần sửa đổi quy định về ký quỹ trong Nghị định 38 càng sớm càng tốt chứ không phải cắt chuẩn này, thêm chuẩn nọ cho phế liệu nhập.
Cụ thể, DN muốn nhập loại phế liệu nào đó, phải mời đại diện đơn vị kiểm định sang tận nguồn kiểm định đo đạc thẩm định tại chỗ, đánh giá xem loại phế liệu đó có được cấp phép nhập vào VN hay không. Nếu không, yêu cầu DN hủy hợp đồng mua bán chứ không phải cấp phép, hàng về cảng, lấy mẫu kiểm định không đạt, từ chối không cho hàng nhập cảng. “Phòng ngừa rác phế liệu từ xa là rất tốt, nhưng cách chúng ta đang làm như hiện nay đang khiến cả DN lẫn cơ quan quản lý đều hao tổn sức lực và tiền bạc rất lớn”, GS Ninh nhấn mạnh.
Nguyên Nga