Vietstock - Khách ồ ạt tìm mua, xuất khẩu nông sản Việt bùng nổ
“Khách tìm đến để đặt mua hàng rất nhiều. Có những tháng, một ngày chúng tôi tiếp vài đoàn”, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group - chia sẻ về chuyện xuất khẩu nông sản của doanh nghiệp nửa đầu năm nay.
Đơn hàng nhiều, doanh thu tăng mạnh
Vị lãnh đạo của Phúc Sinh Group chia sẻ, 6 tháng đầu năm nay, ông đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Là doanh nghiệp kinh doanh cà phê và hồ tiêu đã 25 năm, chưa bao giờ, ông Phan Minh Thông được chứng kiến những thời điểm các mặt hàng nông sản này khiến cả thế giới kinh ngạc, chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Giá cà phê tăng 320%, từ đầu vụ đến cuối vụ, nên người nông dân tràn ngập niềm vui và thu rất nhiều tiền. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu và mua hàng trên thế giới gặp rất nhiều khó khăn vì giá cao và nguồn cung giảm.
Tương tự, giá hồ tiêu bất ngờ tăng phi mã. Chỉ trong vòng 3 tuần, giá tiêu tăng gấp đôi, gây sửng sốt với người mua toàn cầu. Ngay cả với doanh nghiệp cũng thắc mắc, không hiểu vì sao giá lại tăng đến vậy.
Giá cà phê tăng 320%, nông dân thu về bạc tỷ. Ảnh: Nguyễn Huế |
“Khách quốc tế tìm đến đặt mua hàng rất nhiều. Có những tháng, một ngày chúng tôi tiếp vài đoàn, suốt từ thứ Hai đến thứ Bảy”, ông Thông nói.
Ông cho hay, Phúc Sinh đang bán cho rất nhiều khách hàng ở Trung Đông, châu Âu. Giữa tháng 4, khi tham gia sự kiện cà phê đặc sản Chicago (Mỹ), sản phẩm cà phê đặc sản Honey and Natural Specialty của Phúc Sinh Group được nhiều khách hàng yêu thích và bán hết veo trong 2 ngày đầu tiên.
Điều không ngờ tới là rất nhiều doanh nghiệp ở châu Á tìm đến và thiết lập mối quan hệ mua bán trong các tháng qua. Đó là nhờ chất lượng hàng tốt, vận chuyển thuận lợi do vị trí địa lý gần. Kết quả, kinh doanh của Phúc Sinh tăng trưởng rất khả quan, ông Thông chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Vina T&T Group - cũng thông tin, năm ngoái, xuất khẩu rau quả bùng nổ. Năm nay, doanh nghiệp ngành hàng này tiếp tục tăng trưởng rất tốt nhờ nhiều loại trái cây thâm nhập được vào các thị trường mới.
Với Vina T&T Group, 6 tháng đầu năm nay, doanh thu tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. “Đơn hàng xuất khẩu rất dồi dào, không lúc nào thiếu. Chúng tôi chỉ sợ nắng nóng, thời tiết thất thường thì giá rau quả tăng đột biến và sản lượng không đủ để trả đơn hàng xuất khẩu”, ông bày tỏ.
Với mặt hàng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc, ông Tùng nói rằng đơn hàng vẫn rất nhiều nhưng năm nay doanh nghiệp không làm ồ ạt mà cẩn trọng hơn. Lô hàng nào xuất đi phải chắc chắn lô đó, đảm bảo về chất lượng. Thế nên, năm nay, Vina T&T dự kiến xuất khẩu 2.500 tấn sầu riêng tươi vào thị trường tỷ dân này.
Nhiều mặt hàng lập kỷ lục lịch sử
Khách quốc tế ồ ạt đặt mua đã đẩy kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản những tháng qua tăng mạnh.
Báo cáo từ Bộ NN-PTNT cho thấy, tính đến hết tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 15,76 tỷ USD, tăng 24,4%; lâm sản chính đạt 7,95 tỷ USD, tăng 21,2%; thuỷ sản đạt 4,36 tỷ USD, tăng 4,9%.
Có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Trong đó, tăng trưởng mạnh mẽ là mặt hàng cà phê khi xuất khẩu đạt 3,22 tỷ USD, tăng 34,6% nhờ giá xuất khẩu trung bình của loại hạt này tăng 50,4% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu gạo đạt 2,98 tỷ USD, tăng 32%; hạt điều đạt 1,92 tỷ USD, tăng 17,4%; xuất khẩu rau quả thu về 3,43 tỷ USD...
Bộ NN-PTNT cho biết Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là ba thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, giá trị xuất khẩu sang Mỹ tăng 20,8%, chiếm tỷ trọng 20,7%; Trung Quốc tăng 9,5%, chiếm 20,2% và Nhật Bản tăng 5%, chiếm 6,7%.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, trong quý II/2024, bộ đã tập trung triển khai các đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường trọng điểm, được phê duyệt từ cuối năm 2023; đồng thời mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi...
Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm được duy trì và mở rộng, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao.
Về thị trường xuất khẩu cuối năm, các doanh nghiệp thông tin đơn hàng nhiều nhưng vẫn còn khó khăn và thách thức. Đặc biệt là vấn đề logistics, khi giá cước vận tải biển ở nhiều tuyến đã tăng gấp đôi so với đầu năm.
“6 tháng cuối năm sẽ gay go và căng thẳng. Tất cả nguồn hàng như cà phê, hạt tiêu, hạt điều đều giảm nhiều nên giá sẽ neo cao. Thậm chí, trong vòng 5 năm tới, sự căng thẳng về giá còn lớn hơn rất nhiều”, ông Thông dự báo và cho rằng, trong bối cảnh biến động lớn, nếu không nắm bắt được thì rất khó khăn, thậm chí phá sản; còn nắm bắt được thì đó là cơ hội đổi đời của doanh nghiệp.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhìn nhận, một số mặt hàng chuẩn bị ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng. Song, trong nửa cuối năm nay, chúng ta phải có vùng nguyên liệu chuẩn, đảm bảo khâu thu hoạch, sơ chế và chế biến...
Với kết quả hơn 29 tỷ USD thu được trong 6 tháng đầu năm, ông Tiến khẳng định nếu tiếp tục làm tốt, duy trì được "phong độ" thì chắc chắn cả năm sẽ hoàn thành mục tiêu 55 tỷ USD, thậm chí có thể đạt 56-57 tỷ USD.
Tâm An