Vietstock - Mua vàng theo đám đông, 'cháy túi' là tất yếu!
Những ngày qua giá vàng nhảy múa điên loạn khiến nhiều 'nhà đầu tư' cháy túi, bạn đọc rút ra bài học 'để đời': Kinh doanh đừng bao giờ chạy theo đám đông...
Giá vàng thời điểm 14 giờ 30 ngày 24.2 Ảnh: Thanh Xuân |
Câu chuyện giá vàng nhảy múa điên loạn những ngày qua khiến nhiều “nhà đầu tư” cháy túi được nhiều bạn đọc quan tâm đặc biệt, qua đó rút ra bài học “để đời”: kinh doanh đừng bao giờ chạy theo đám đông mà cần có cái nhìn tỉnh táo.
Những ngày qua, Thanh Niên liên tục có các bản tin, bài viết về “cơn điên loạn” giá vàng và sau đó là trạng thái đối lập: “giá vàng giảm sâu”. Cụ thể, sau khi đạt mức kỷ lục 49,7 triệu đồng/lượng trong ngày 24.2, vàng miếng SJC đã giảm mạnh 2,3 - 3 triệu đồng/lượng vào ngày 25.2. Công ty SJC mua vào còn 46,6 triệu đồng/lượng, bán ra 47,4 triệu đồng/lượng. Hệ thống cửa hàng vàng bạc đá quý PNJ (HM:PNJ) mua vào 45,8 triệu đồng/lượng, bán ra 47,3 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá mua - bán tới 1,5 triệu đồng...
Qua ngày 26.2, vàng tiếp tục giảm giá liên tiếp, “đánh bay” những mức tăng trước đó, về mức thấp hơn so với giá cuối tuần qua. Theo đó, giá vàng miếng SJC sáng 26.2 Tập đoàn Doji mua vào còn 46,1 triệu đồng/lượng, bán ra 46,6 - 46,8 triệu đồng/lượng; Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào còn 46 triệu đồng/lượng, bán ra 47 triệu đồng/lượng...
Đầu cơ thấy rõ!
“Giá vàng gần 50 triệu đồng/lượng, có phải là sự “kỳ lạ” không?”, nhiều bạn đọc (BĐ) thắc mắc. BĐ Anmi (TP.HCM (HM:HCM)) lý giải: “Chỉ có các nhà đầu cơ cấu kết với nhau để kích cầu người mua thôi. Giá mua vào chênh lệch lớn với giá bán ra. Tôi đã đoán chính xác là sẽ giảm, nhưng không nghĩ giảm sâu đến thế”. Còn BĐ Gia Hưng (TP.HCM) viết: “Mấy ngày qua, vàng tăng một phần cũng do giới đầu cơ; một phần nữa là trong nước thiếu nguồn cung ứng nên đẩy giá lên cao để giảm “cháy hàng”. Giá cao quá mua chi vậy?”.
Đồng quan điểm, BĐ Như Nguyễn (Hải Dương) cho rằng có tình trạng “lợi dụng tình hình dịch bệnh để thao túng thị trường”. Trong khi đó, BĐ Quang Nguyen (Bắc Kạn) phân tích thêm: “Đầu cơ vàng lợi dụng dịch bệnh Covid-19, tâm lý người dân để đẩy giá vàng lên bất thường. Thấy người mua càng đông thì họ đẩy giá vàng lên càng cao, khi thấy sức mua giảm thì họ giảm giá vàng xuống. Như vậy, giữa bán ra và mua vào họ lời lớn”.
Đừng để tác động tiêu cực đến thị trường
Nhiều BĐ cũng chia sẻ họ thực sự cảm thấy “ớn lạnh” với cơn “điên loạn” giá vàng vừa qua. BĐ Trịnh Cường (Đồng Nai) viết: “Có những từ mới dùng cho mô tả giá vàng ấn tượng với tôi. Sau một tuần, giá vàng “nhảy múa” liên tục, và đúng là lên cao đến mức “điên loạn” để thu hút nhiều người rồi... đảo chiều khiến nhà đầu tư vỡ mộng... Mong là xăng dầu, thực phẩm, nhu yếu phẩm... bình ổn và giảm thì càng tốt cho bà con vui”.
Theo BĐ Dung (TP.HCM), đã từ lâu vàng không còn là phương tiện thanh toán nên sự lên xuống của vàng không ảnh hưởng đến giá cả thị trường. Tuy nhiên, BĐ Pham Huong (Cà Mau) kiến nghị: “Cơ quan chức năng nên tìm mọi cách bình ổn giá vàng và kéo nó xuống theo giá trị thực của nó; ngăn những người đầu cơ tiếp tục đẩy lên cao sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý bất an; tiền nhàn rỗi của dân sẽ được dùng để mua vàng tích trữ. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến tiền tệ và nền kinh tế của ta”.
Tôi đã từng mua vàng giá 47 triệu đồng/lượng vào năm 2011, nhưng sau đó tụt xuống 36,5 triệu đồng/lượng suốt nhiều năm liền. Kinh doanh vàng rất mạo hiểm. Kim Chi (Đồng Nai) Tăng giảm gì thì chủ tiệm vàng cũng giàu và người mua chịu lỗ do chênh lệch giữa mua đi bán lại. Trương Bá Nhựt (Vĩnh Long) |
Tường Vy