Vietstock - Gỗ lần đầu tiên vượt mốc 7 tỷ USD
Năm 2016, XK gỗ đã tiến sát tới mốc 7 tỷ USD. Trong 11 tháng đầu năm 2017, XK gỗ đã xấp xỉ bằng cả năm 2016. Do đó, với đà tăng trưởng 2 con số, chắc chắn trong cả năm 2017, XK gỗ đã lần đầu tiên vượt mốc 7 tỷ USD.
Sản xuất đồ gỗ XK
|
Kết thúc năm 2015, XK gỗ đã tiến sát mốc 7 tỷ USD khi đạt 6,891 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước đó. Trên cơ sở đó, khi bước vào năm 2016, ngành gỗ đã đặt mục tiêu lần đầu tiên XK vượt mốc 7 tỷ USD. Tuy nhiên, XK gỗ năm 2016 dù vẫn tăng trưởng, nhưng mức tăng rất thấp, chỉ 1.1% so với năm 2015 nên cũng chỉ tiến sát thêm tới mốc 7 tỷ USD khi đạt 6.965 tỷ USD.
Sang năm 2017, XK gỗ đã lấy lại được đà tăng trưởng 2 con số như năm 2015 trở về trước. Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm 2017, XK gỗ đã tăng 11% so với cùng kỳ 2016. Nhờ vậy, trong 11 tháng, giá trị XK gỗ đã bằng xấp xỉ cả năm 2016 khi đạt 6,904 tỷ USD. Trong 11 tháng đầu năm 2017, ngoại trừ tháng 2 do ảnh hưởng nghỉ Tết Nguyên đán nên XK gỗ chỉ đạt trên 400 triệu USD, còn lại các tháng khác đều đạt giá trị từ gần 600 triệu USD tới hơn 700 triệu USD. Do đó, chắc chắn giá trị XK gỗ tháng 12 cũng sẽ đạt từ 600 - 700 triệu USD. Qua đó, không chỉ lần đầu tiên vượt mốc 7 tỷ USD, mà sẽ đạt được mục tiêu đặt ra từ đầu năm là từ 7.3 - 7.5 tỷ USD, thậm chí có thể cao hơn.
Theo các chuyên gia ngành gỗ, những nguyên nhân chính giúp cho ngành gỗ có thể đạt được những mốc XK mới như trên, trước hết là nhờ sự tăng trưởng ổn định của nhóm sản phẩm đồ gỗ (có giá trị cao) so với gỗ nguyên liệu. Trong năm 2016, giá trị XK nhóm sản phẩm đồ gỗ là 5,125 tỷ USD, tăng 7% so năm 2015 và chiếm 73.59% tổng giá trị XK gỗ. 11 tháng đầu năm 2017, trong khi XK gỗ nói chung tăng 11%, thì đồ gỗ có mức tăng trưởng cao hơn là 12.7% và đạt 5.15 tỷ USD. Qua đó, tăng tỷ trọng trong tổng giá trị XK gỗ lên 74.59%.
Số liệu phân tích của Tổng cục Hải quan cho thấy rõ hơn vai trò của đồ gỗ trong cơ cấu các sản phẩm gỗ XK.
Theo Bộ Công thương, tại nhiều thị trường lớn của đồ gỗ thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản…, đồ nội thất của Việt Nam thường chỉ đứng sau đồ nội thất Trung Quốc về giá trị XK. Chẳng hạn, số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2017, nước Mỹ đã chi ra 13.2 tỷ USD để NK đồ nội thất bằng gỗ. Trong đó, đồ nội thất từ Việt Nam chiếm 20.5%, đứng thứ 2 sau Trung Quốc. Trong 7 tháng đầu năm 2017, đồ nội thất bằng gỗ có nguồn gốc từ Việt Nam chiếm 12.9% tổng giá trị NK đồ nội thất bằng gỗ ngoại khối (các nước ngoài EU) vào EU. Với tỷ trọng như trên, đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam cũng đứng thứ 2 sau Trung Quốc tại EU. |
Trong 10 tháng đầu năm 2017, đồ nội thất phòng ngủ là chủng loại sản phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị XK gỗ với 23% khi đạt khoảng 1.3 tỷ USD. Đồ nội thất phòng ngủ XK chủ yếu sang Mỹ (chiếm tới 72.6%), EU, Nhật Bản, Canada, Trung Quốc…
Đứng thứ 2 là đồ nội thất phòng khách, phòng ăn với giá trị 1.27 tỷ USD, chiếm 21%. Đồ nội thất phòng khách, phòng ăn chủ yếu được XK sang Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc, Canada, Hàn Quốc…
Ghế khung gỗ với mức tăng trưởng cao nhất là 27.4% đã đạt 1 tỷ USD, chiếm 16% tổng giá trị XK gỗ trong 10 tháng năm 2017.
Hơn một nửa giá trị XK ghế khung gỗ là sang thị trường Mỹ. Trong khi đó, một sản phẩm gỗ nguyên liệu chủ lực là dăm gỗ chỉ chiếm 14% tổng giá trị XK gỗ.
Ông Tô Xuân Phúc (Tổ chức Forest Trends), cho biết, XK đồ gỗ liên tục tăng trưởng ổn định từ năm 2015 đến nay, bởi nhóm sản phẩm này chủ yếu được XK vào những thị trường có tính ổn định cao như Mỹ, EU, Úc… Còn gỗ nguyên liệu chủ yếu XK sang Trung Quốc, nguồn cung lại không ổn định.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), sự tăng trưởng mạnh về giá trị XK của nhóm sản phẩm ván dăm, ván nhân tạo, MDF và gỗ viên nén đã góp phần vào sự tăng trưởng chung của XK gỗ năm 2017. Bởi trong năm trước đó, nhóm hàng này vẫn chiếm tỷ trọng thấp trong giá trị XK gỗ.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2017, các sản phẩm ván, ván sàn đã chiếm tỷ trọng 12%, đứng thứ 5 trong các chủng loại sản phẩm gỗ XK chủ lực.
Sự phục hồi của kinh tế thế giới trong năm 2017, nhất là sự tăng trưởng của thị trường bất động sản, là yếu tố quan trọng hỗ trợ ngành gỗ Việt Nam về xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia, đã được ký kết và có hiệu lực, cũng hỗ trợ không nhỏ cho XK gỗ.
Đồ nội thất Việt Nam tại Hội chợ VIFA Home 2017
|
Tại thị trường lớn nhất là Mỹ, tốc độ tăng trưởng XK gỗ đạt 18% trong 10 tháng đầu năm 2017, với giá trị lên tới gần 2,655 tỷ USD. Mỹ hiện đang chiếm tới hơn 40% giá trị XK gỗ của Việt Nam. Một số thị trường quan trọng khác cũng đạt mức tăng trưởng tốt là Malaysia 19.2%, Hàn Quốc 14.2%, Canada 13.4%…
Việc mở rộng thêm được nhiều thị trường mới trong năm 2017 không chỉ góp phần đưa tăng trưởng XK gỗ Việt Nam trở lại mức 2 con số, mà còn tạo cơ sở quan trọng cho việc đẩy mạnh XK gỗ trong năm 2018. Theo nhận định của Bộ Công thương, với vị thế đã tạo dựng được trên toàn cầu, cùng với sự hỗ trợ tích cực từ sự tăng trưởng của kinh tế thế giới, XK gỗ năm 2018 sẽ vẫn duy trì được đà tăng trưởng đầy khả quan.
Chiếm lĩnh thị trường nội địa Không chỉ lấy lại đà tăng trưởng XK ở mức 2 con số, ngành gỗ Việt Nam còn đã cơ bản chiếm lĩnh được thị trường nội địa. Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, PCT Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), thị trường đồ nội thất trong nước hiện vào khoảng 2 tỷ USD/năm. Mỗi năm, thị trường nội địa có mức tăng trưởng 5 - 6%. |
Theo Bộ Công thương, thị trường đồ nội thất toàn cầu sẽ tăng trưởng bình quân 4.2% trong giai đoạn 2016 - 2024. Riêng năm 2018, mức tăng trưởng dự kiến 3.5%. Dự kiến đến năm 2024, thị trường đồ nội thất toàn cầu sẽ vượt mức 550 tỷ USD. Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực tiêu thụ đồ nội thất lớn nhất và đã chiếm 1/3 thị trường nội thất toàn cầu năm 2016. Theo một khảo sát của CSIL tại 100 quốc gia tham gia vào Triển vọng đồ nội thất trên toàn thế giới trong năm 2017/2018, trị giá đồ nội thất toàn cầu hiện khoảng 420 tỷ USD. Các thị trường nhập khẩu đồ nội thất lớn nhất trên toàn cầu là Mỹ, Đức, Anh, Pháp và Canada. Việt Nam hiện đang là nước sản xuất đồ nội thất bằng gỗ đứng hàng thứ 8 trên thế giới sau Trung Quốc, Mỹ, Đức, Italia, Ấn Độ, Ba Lan và Nhật Bản. Sản lượng đồ nội thất Việt Nam hiện chiếm khoảng 2% tổng sản lượng đồ nội thất thế giới. |
Thanh Trần