Vietstock - Giá vàng ngày 3.10.2022: Mua vào lỗ ngay 1 triệu đồng/lượng
Chênh lệch giữa giá mua và bán vàng lên 1 triệu đồng/lượng thời gian gần đây khiến người mua vàng ngay lập tức lỗ nặng.
Giá vàng miếng SJC sáng 3.10 tăng thêm 100.000 đồng mỗi lượng, Eximbank (HM:EIB) mua vàng với giá 65,1 triệu đồng/lượng, bán ra 66,1 triệu đồng; Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua 65,5 triệu đồng/lượng, bán ra 66,5 triệu đồng… Riêng vàng trang sức 4 số 9 tăng 150.000 đồng/lượng, vàng nhẫn tăng lên 51,8 triệu đồng ở chiều mua vào, bán ra 52,9 triệu đồng; nữ trang lên 51,7 triệu đồng/lượng chiều mua vào, bán ra 52,4 triệu đồng. Chênh lệch giữa giá mua và bán vàng lên 700.000 đến 1 triệu đồng mỗi lượng. Ngoài ra, vàng miếng SJC cao hơn thế giới 18,3 triệu đồng/lượng, vàng trang sức cao hơn 4,2 triệu đồng.
Chênh lệch giữa giá mua và bán lên 1 triệu đồng/lượng. Ngọc Thắng |
Giá vàng thế giới sáng 3.10 tăng thêm 4 USD/ounce, lên 1.665 USD/ounce. Giữa tuần qua vàng đã có những thay đổi quan trọng khi giá tăng từ mức thấp nhất trong 2,5 năm và hướng tới mức 1.700 USD/ounce. Một số dự báo cho rằng, nếu vàng qua mức giá 1.700 USD/ounce thì mức tiếp theo sẽ là 1.740 USD/ounce. Việc này khả năng sẽ diễn ra trong vòng 2 tuần.
Những ảnh hưởng từ quá trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gây áp lực nặng nề lên vàng thời gian qua. Yếu tố căng thẳng địa chính trị có thể là một trong những động lực ngắn hạn khiến vàng trên 1.700 USD/ounce.
Thêm vào đó, thông tin kinh tế thế giới không mấy khả quan trong thời gian tới cũng sẽ tác động đến đường đi của vàng. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vừa hạ triển vọng kinh tế thế giới 2023. GDP toàn cầu tăng trưởng 3% trong năm 2022 (không thay đổi so với dự báo hồi tháng 6.2022), và giảm tốc còn 2,2% năm 2023 (thấp hơn so với mức 2,8% của dự báo trước). GDP của các nước như Mỹ, Trung Quốc, Đức, Nga đều giảm.
OECD nhận định kinh tế toàn cầu đang đối mặt với ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng chính trị thế giới và các chỉ báo cho thấy dấu hiệu của sự đình trệ kéo dài. Tổ chức này cũng cảnh báo chiến tranh đang tạo áp lực lên lạm phát, các quốc gia nên thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế vấn đề này trong dài hạn. Các chính phủ cũng cần phối hợp về chính sách tài khoá nhằm khống chế lạm phát, song vẫn nên đảm bảo đủ mức chi tiêu để cải thiện niềm tin của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.
Thanh Xuân