Vietstock - Giá dầu thế giới ngày càng xuống thấp mặc dù OPEC+ đã cắt giảm sản lượng
Các kho dự trữ dầu thô và các sản phẩm tinh chế thương mại tại nhiều nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đạt tổng cộng 2,841 tỷ thùng tính đến cuối tháng 10/2023.
Công nhân làm việc tại một nhà máy lọc dầu ở Karbala, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Giá dầu thô hiện nay dường như đang đi theo những nguyên tắc cơ bản của thị trường, bất chấp việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) cắt giảm sản lượng để đẩy giá dầu lên cao hơn. Điều này cho thấy những nỗ lực của nhóm dường như không mang lại hiệu quả.
Mặc dù OPEC+ đã cắt giảm sản lượng nhiều lần kể từ quý 4/2022, song lượng dầu dự trữ trên toàn cầu vẫn gần bằng mức trung bình trong dài hạn, trong khi giá dầu giao kỳ hạn và mức chênh lệch giá chỉ thấp hơn một chút so với mức trung bình.
Các kho dự trữ dầu thô và các sản phẩm tinh chế thương mại tại nhiều nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đạt tổng cộng 2,841 tỷ thùng tính đến cuối tháng 10/2023.
Lượng dầu tại các kho dự trữ thương mại của OECD chỉ thấp hơn 19 triệu thùng so với mức trung bình theo mùa trong 10 năm, so với mức 218 triệu thùng trong tháng 3/2022.
Việc sản lượng từ các công ty dầu khí đá phiến của Mỹ và các nguồn khác tăng lên, cùng với nhu cầu tiêu dùng yếu đã “lấn át” việc hạn chế sản xuất của Saudi Arabia và các thành viên OPEC.
Giá dầu Brent kỳ hạn ở mức trung bình 89 USD/thùng trong tháng 10/2023 và chỉ cao hơn một chút so với mức trung bình dài hạn là 82 USD/thùng, sau khi điều chỉnh theo lạm phát.
Tuy nhiên, kể từ đó, giá dầu Brent kỳ hạn đã giảm xuống mức trung bình là 76 USD/thùng tính đến tháng 12/2023 do các nhà giao dịch dự đoán thị trường sẽ dư cung do lượng hàng dự trữ tăng trong những tháng đầu năm 2024.
Giá dầu giảm đã gây thất vọng cho những nhà sản xuất hy vọng có thể được hưởng lợi sau khi cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, xu hướng này hoàn toàn phù hợp với tình trạng nguồn cung dồi dào trên thị trường./.
Minh Hằng