Vietstock - Lọc ưu đãi FDI
Tinh thần “thu hút FDI có chọn lọc” của Chính phủ sẽ là kim chỉ nam để các địa phương cẩn trọng hơn trong cấp phép cho các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong thời gian tới.
Các dự án FDI sử dụng nhiều lao động không còn là ưu tiên trong thu hút FDI. Ảnh: Ngọc Sơn
|
Tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới đây, Thủ tướng Chính phủ nhận xét, chúng ta đã thu hút những dự án FDI sử dụng công nghệ mức trung bình so với khu vực, tỷ lệ đầu tư cho phát triển của khối FDI còn thấp. Thủ tướng nhấn mạnh, FDI trong thời gian tới phải chọn lọc hơn.
Không ưu đãi vô tội vạ
GS-TS Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) FDI, cũng khẳng định: “VN không thể duy trì ưu đãi thu hút FDI mãi, phải chọn lọc dự án cụ thể”. GS Nguyễn Mại là một trong những “chứng nhân” quan trọng suốt 30 năm thu hút FDI của VN. Với ông, câu chuyện FDI bây giờ hoàn toàn khác. Chúng ta không thể ưu tiên vô tội vạ, mà phải ưu tiên có chọn lựa. Cách tiếp cận các dự án FDI cũng không còn như xưa nữa. Những dự án sử dụng nhiều lao động như dệt may, điện tử sẽ ưu tiên phát triển tại các vùng kém phát triển, cần giải quyết công ăn việc làm và chỉ ưu đãi bằng đất đai, không ưu đãi giảm thuế như trước. Những tỉnh, TP lớn đã “định hình” chính sách thu hút FDI như TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh… phải có chính sách thu hút khác các vùng kém phát triển. TP.HCM và Bình Dương đã từ chối thẳng thừng các dự án dệt nhuộm, thuộc da. Nếu địa phương khác có đồng ý cũng không còn ưu đãi nữa.
TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH-ĐT, cho rằng cần cải thiện hoàn toàn khung chính sách FDI. Đã đến lúc chúng ta phải đưa hậu tố “có điều kiện” vào chính sách thu hút FDI theo hướng DN đóng góp cụ thể gì cho địa phương, sẽ nhận lại những ưu đãi tương xứng. “Chính sách ưu đãi phải được tính toán từ những đóng góp cụ thể như chuyển giao công nghệ, đào tạo đội ngũ nhân sự cao cấp, đóng góp cho chiến lược phát triển công nghệ cao của quốc gia… trong khoảng thời gian cụ thể. Đặc biệt, dự án đầu tư sau 3 năm vẫn còn báo lỗ thì có thể rút giấy phép đầu tư vì duy trì những dự án kiểu đó ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của VN”, TS Thắng nói và khuyến nghị VN nên học hỏi các quốc gia phát triển trong thu hút FDI để tránh phải mất nhiều thời gian và khoản học phí khổng lồ trong giai đoạn tới.
Theo GS Nguyễn Mại, tinh thần “thu hút FDI có chọn lọc” của Chính phủ sẽ là kim chỉ nam để các địa phương cẩn trọng hơn trong cấp phép cho các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong thời gian tới. Sẽ kiên quyết và phạt nặng những nhà đầu tư lẫn nhà thẩm định dự án đầu tư gây ô nhiễm môi trường xảy ra trong thời gian tới.
Không ưu tiên những ngành trong nước làm được
Trên thực tế, việc ưu đãi DN FDI khiến DN nội thua thiệt được đặt ra cả thập niên nay. Liên quan vấn đề này, TS Phan Hữu Thắng cho rằng, những sản phẩm mà DN trong nước làm được như bất động sản, bán lẻ, du lịch nghỉ dưỡng…, không nên ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài nữa. Giai đoạn tới phải ưu tiên cho DN tư nhân trong nước. Một số chính sách ưu đãi khung có thể không phá vỡ nếu đã cam kết, song cái gì DN trong nước làm được, hãy tạo mọi điều kiện để họ làm và phát triển. Chẳng hạn đầu tư vào công nghệ cao, tất cả mọi ngành nghề đều cần áp công nghệ 4.0 trong giai đoạn mới. Điều đó không có nghĩa là DN FDI nào đầu tư công nghệ cao chúng ta cũng ưu đãi mà chỉ nên dành ưu đãi cho các dự án FDI công nghệ cao thực sự, chứ công nghệ cao mà lắp ráp thì không.
Dẫn con số từ Tổng cục Thống kê, GS Nguyễn Mại phân tích: VN đang có hơn 10.000 DN lớn (chiếm 1,9% trên tổng 500.000 DN), trong đó có những DN có doanh thu 5 - 10 tỉ USD/năm là những “đầu tàu” quan trọng để giúp kinh tế phát triển. “Chúng ta hay coi trọng những tập đoàn kinh tế đa quốc gia, song phải nhìn nhận VN đang có những tập đoàn đa ngành tương tự. Sự kiện hai chiếc xe hơi made in Vietnam vừa rồi được ra mắt tại Paris tạo nhiều cảm xúc và suy nghĩ cho người làm chính sách. Nếu có chính sách đúng đắn, nếu khuyến khích và công nhận, chúng ta dứt khoát phải có chính sách lợi cho DN nội địa trước hết”, GS Mại nói.
Ông Thắng cũng khuyến nghị danh mục dự án thu hút FDI công nghệ cao và ưu đãi chuyển giao công nghệ cần phù hợp nhu cầu đổi mới công nghệ quốc gia, phải tính đến tác động và ảnh hưởng toàn cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, dành ưu tiên đặc biệt cho DN FDI đầu tư kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn... “Chuyển giao công nghệ phải là một điều kiện bắt buộc khi cấp giấy phép đầu tư và việc theo dõi chuyển giao phải được thực hiện giám sát thường xuyên. Ngoài ra, việc chuyển giao công nghệ cao rất khó thực hiện nếu vốn đầu tư DN FDI trong một dự án chiếm đến 80 - 100%. Thế nên cần khuyến khích đầu tư theo hình thức liên doanh, cổ phần, hạn chế hình thức 100% vốn nước ngoài”, ông Thắng nói.
Nguyên Nga