Vietstock - Trung Quốc đẩy mạnh đào thải những “zombie” trên sàn chứng khoán
Điều chỉnh lại các hành động của mình hoặc sẽ bị “đá” khỏi sàn chứng khoán – đây là thông điệp mà cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc gửi tới các công ty niêm yết.
Cơ quan điều hành không hề lảng tránh khi đề cập tới vấn đề này. Vào ngày 17/05/2019, cơ quan điều hành chứng khoán Trung Quốc đã “đá” 4 công ty niêm yết không đáp ứng yêu cầu giao dịch từ thị trường ra khỏi sàn chứng khoán. Con số trên có vẻ không nhiều, nhưng đã là kỷ lục hủy niêm yết của Trung Quốc trong 1 năm kể từ ít nhất là năm 2010. Sàn giao dịch Thượng Hải và Thâm Quyến đưa ra động thái này sau khi Yi Huiman, Chủ tịch của Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC), cho biết những công ty “zombie” sẽ không được phép niêm yết lên thị trường chứng khoán nữa.
Việc đào thải những công ty đang vướng nhiều rắc rối đã trở thành vấn đề cấp thiết của các quan chức khi họ chuẩn bị khởi động sàn giao dịch tập trung vào các công ty công nghệ ngay trong tháng 6/2019. Điều này báo hiệu các nhà điều hành đang muốn tạo ra một hệ thống tốt hơn để loại bỏ những sai sót tiềm ẩn nào nếu sàn giao dịch mới thành công trong dài hạn.
“Những vụ hủy niêm yết gần đây và nhận định từ vị Chủ tịch CSRC đã truyền tải tín hiệu rõ ràng rằng họ quyết tâm đẩy nhanh việc đào thải các công ty yếu kém trong lúc khởi động sàn giao dịch công nghệ”, Fu Lichun, Chuyên viên phân tích tại Northeast Securities, nhận định. “Vì vậy, chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều đợt hủy niêm yết nữa và chuyện này sẽ không còn lạ lẫm ở Trung Quốc nữa”.
Các vụ hủy niêm yết gần đây trên sàn Thượng Hải phải kể tới Hareon Solar Technology – vốn được cho là có vấn đề về tài chính – và Shanghai Potevio – có 3 năm thua lỗ liên tiếp. Hai công ty niêm yết ở Thâm Quyến – Chengdu Huaze Cobalt & Nickel Material Co. and Zhonghe Co. – cũng bị đào thải vì lý do tương tự.
Ngoài ra, có thêm 9 cổ phiếu khác đang bị đình chỉ giao dịch trong năm nay cũng vì những lý do tương tự, điều này báo hiệu nhịp độ hủy niêm yết sẽ ngày một tăng. Việc đình chỉ giao dịch có nghĩa các công ty gặp rắc rối đang đứng sát bờ vực hủy niêm yết hoặc không thể tiếp tục giao dịch trừ khi họ đáp ứng được một số yêu cầu nhất định.
Kế hoạch khởi động Sàn Đổi mới Khoa học và Công nghệ (STIB) ở Thượng Hải không chỉ là một cách để các công ty công nghệ huy động vốn mà còn là động lực thúc đẩy cải cách hướng tới việc khắc phục những vấn đề đã đeo bám thị trường cổ phiếu Trung Quốc bao năm qua.
Chưa hết, Trung Quốc còn có các vấn đề rắc rối hơn nhiều: Đó là những trường hợp sai phạm tài chinh. Ví dụ gần đây nhất có liên quan tới một công ty rất nổi tiếng là Kangmei Pharmaceutical Co. Hồi tháng 4/2019, Công ty này cho biết họ đã khai gian khoản nắm giữ tiền mặt 4.4 tỷ USD, sau đó còn nói thêm rằng họ cũng đã chuyển hơn 1.3 tỷ USD tới các công ty liên kết để giao dịch cổ phiếu của chính họ. Cổ phiếu Kangmei Pharmaceutical đã rớt 23% trong 5 phiên giao dịch vừa qua.
“Những sai phạm tài chính của các công ty niêm yết tạo ra môi trường rất xấu trên thị trường chứng khoán Trung Quốc loại A, khiến dòng tiền bẩn đào thải dòng tiền tốt”, Yang Hai, Chuyên viên phân tích tại Kaiyuan Securities, nhận định. “Xu hướng này phải được ngăn chặn”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)