Vietstock - Vì sao giá dầu đổ nhào từ đỉnh 4 năm và rơi vào thị trường con gấu chỉ trong 6 tuần?
Thị trường dầu đang trải qua một cú đảo chiều đầy bất ngờ khi các hợp đồng dầu thô tương lai xóa sạch đà tăng trong năm nay chỉ trong vòng 6 tuần sau khi chạm mức cao nhất kể từ năm 2014.
Đà lao dốc của giá dầu phản ánh sự thay đổi cơ bản trong triển vọng của giá dầu. Mới 1 tháng trước, các trader còn lo ngại, khả năng thiếu hụt dầu sẽ đẩy giá dầu lên ngưỡng 100 USD/thùng. Giờ thì mọi thứ đã khác. Nguồn cung được dự báo sẽ vượt nhu cầu vào đầu năm 2019.
Kết quả là, giá dầu đã rớt hơn 20 USD/thùng so với đầu tháng 10/2018 – thời điểm giá dầu Brent tăng lên gần 87 USD/thùng, còn giá dầu WTI gần chạm mốc 77 USD/thùng. Cả hai hợp đồng dầu này đều đang chìm sâu vào thị trường con gấu sau khi giảm hơn 20% so với mức đỉnh 52 tuần.
Cùng với đó, dầu WTI ghi nhận chuỗi lao dốc dài nhất trong lịch sử. Hợp đồng dầu WTI tương lai giờ đã giảm liên tiếp 12 phiên xuống mức thấp nhất kể từ ngày 16/11/2017 tại 55.69 USD/thùng trong ngày thứ Ba (13/11).
Nguyên nhân đằng sau diễn biến giảm mạnh này có thể xuất phát từ đà tăng bứt phá trong thời gian gần đây. Tại đỉnh điểm của đà leo dốc, nhiều chuyên viên phân tích năng lượng nhận định, giá dầu chưa từng tăng quá nhanh và quá xa như thế này.
Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng lên đỉnh 4 năm vào ngày 03/10 khi thị trường chuẩn bị cho thời điểm kích hoạt lệnh trừng phạt của Mỹ lên Iran – nhà sản xuất dầu lớn thứ ba của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Cho tới tháng 9/2018, lệnh trừng phạt này được cho là sẽ “đánh bay” 800,000 thùng dầu ra khỏi thị trường mỗi ngày, qua đó châm ngòi cho suy đoán một số nhà nhập khẩu dầu sẽ gặp khó khăn để tìm kiếm nguồn thay thế.
Làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán
Dạo gần đây, giá dầu dường như di chuyển cùng nhịp với thị trường chứng khoán. Khi thị trường chứng khoán bị bán tháo thì giá dầu cũng giảm mạnh. Một tuần sau khi các hợp đồng dầu thô chạm mức đỉnh 4 năm thì 2/3 số cổ phiếu thuộc S&P 500 lại rơi vào phạm vi điều chỉnh.
Điều này châm ngòi cho làn sóng bán tháo trên diện rộng và khiến nhà đầu tư tránh xa các tài sản rủi ro cao, trong đó có các hợp đồng dầu thô tương lai.
Ngay khi nhà đầu tư bán tống bán tháo chứng khoán và hàng hóa thì nỗi lo về đà giảm tốc nhu cầu dầu lại nổi lên.
Triển vọng nhu cầu yếu hơn
Trong tháng 10/2018, cả OPEC vàCơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA)đều cho biết, lượng tiêu thụ dầu sẽ tăng trưởng yếu hơn dự báo trước đó vì những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu bắt đầu chậm lại do căng thẳng thương mại, đà tăng của lãi suất và các đồng tiền thị trường mới nổi suy yếu.
Những nhà dự báo cực kỳ lo ngại về nhu cầu dầu ở những nơi như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia khi giá dầu chạm mức đỉnh mới trong tháng trước.
“Đối với nhiều quốc gia đang phát triển, giá dầu quốc tế tăng cao hơn diễn ra đồng thời với việc đồng nội tệ giảm giá so với đồng USD, vì vậy mối đe dọa về kinh tế cũng trở nên nghiêm trọng hơn”,
Chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – tăng gần 3% trong 2 tháng qua. Điều này khiến giá dầu thô – hàng hóa neo giá theo đồng bạc xanh – trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ những đồng tiền khác.
Sản lượng dầu tăng vọt
Ba nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới – Nga, Ả-rập Xê-út và Nga – đều bơm dầu ở hoặc gần mức cao nhất mọi thời đại và 15 thành viên OPEC cũng đang trong quá trình nâng sản lượng.
Sản lượng dầu tại Mỹ vượt mức 11 triệu thùng/ngày trong vài tháng gần đây, còn Nga bơm dầu ở mức cao nhất kể từ thời hậu Soviet, khoảng 11 triệu thùng/ngày. Kế đó, Ả-rập Xê-út sản xuất ra 10.6 triệu thùng/ngày trong tháng 10/2018.
Cùng với Nga và các nhà sản xuất khác, OPEC đã cắt giảm sản lượng dầu từ tháng 1/2017 để xóa bỏ tình trạng dư cung và hỗ trợ cho thị trường dầu. Tuy nhiên, hồi tháng 6/2018, họ đã nhất trí đảo ngược lộ trình và nâng sản lượng trở lại, sau khi cắt giảm mạnh hơn dự tính.
Đà tăng của sản lượng và triển vọng nhu cầu ảm đạm hơn khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng nguồn cung sẽ vượt nhu cầu vào đầu năm tới.
Miễn lệnh trừng phạt
Việc Mỹ quyết định miễn lệnh trừng phạt cho 8 quốc gia – cho phép họ tiếp tục mua dầu từ Iran trong 6 tháng tới – cũng khiến giá dầu lao đao.
“Điều này làm rối tung mọi tính toán trước đó” của OPEC và các đồng minh, John Kilduff, Đối tác sáng lập tại quỹ đầu cơ năng lượng Again Capital, cho hay. Tổ chức này đang bơm thêm dầu để bù đắp cho lượng dầu mất đi từ Iran, nhưng các lệnh trừng phạt giờ đã làm mọi thứ rối tung lên, Kilduff cho hay.
“Họ làm việc cật lực trong vài năm qua để cân bằng thị trường và giờ thì lại rơi vào nguy cơ dư cung”, ông nói với CNBC.
Khi tăng trưởng nhu cầu có vẻ yếu hơn và giá dầu lao dốc, OPEC và các đồng minh đang xem xét phương án cắt giảm sản lượng trở lại.
Hôm Chủ nhật (11/11), một ủy ban đại diện cho OPEC và các đồng minh cho biết, khả năng rơi vào tình trạng dư cung có thể buộc nhóm OPEC+ cân nhắc sử dụng chiến lược mới để cân bằng thị trường. Ngày kế đó, Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út, Khalid al Falih, cho biết các thành viên OPEC cho biết cần phải cắt giảm sản lượng tới 1 triệu thùng/ngày dựa trên kết quả phân tích kỹ thuật.
Giá dầu còn giảm mạnh sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc giục Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Ả-rập Xê-út duy trì chính sách tăng sản lượng từ từ.
Ông Trump tweet: “Hy vọng là Ả-rập Xê-út và OPEC sẽ không cắt giảm sản lượng dầu. Giá dầu nên giảm thêm dựa trên nguồn cung hiện nay!”.
Vũ Hạo (Theo CNBC)