Vietstock - Kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh hơn dự báo vì chiến tranh thương mại với Mỹ
Trong ngày thứ Sáu (19/10), Trung Quốc cho biết tăng trưởng kinh tế nước họ giảm mạnh hơn dự báo xuống mức 6.5% trong quý 3/2018, khi chiến tranh thương mại với Mỹ gây áp lực lên tăng trưởng.
Con số tăng trưởng GDP quý 3/2018 trên không đạt kỳ vọng tăng trưởng 6.6% của các chuyên viên phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý 1/2009.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tính trên cơ sở hàng quý, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 1.6%, trùng khớp với dự báo của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters.
Bên cạnh dữ liệu GDP mới nhất, Trung Quốc cũng công bố số liệu thống kê về sản lượng công nghiệp tháng 9/2018: Sản lượng tăng trưởng 5.8% so với cùng kỳ năm ngoái, không đạt kỳ vọng tăng trưởng 6% từ cuộc thăm dò của Reuters.
Mặc dù các con số GDP chính thức của Bắc Kinh được xem là chỉ báo về tình hình sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, nhưng nhiều chuyên gia bên ngoài từ lâu đã tỏ ra hoài nghi về độ tin cậy của các báo cáo từ Trung Quốc.
Dù vậy, các tín hiệu về tăng trưởng của Trung Quốc đều được theo dõi rất sát sao khi họ bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại “ăn miếng trả miếng” với Mỹ.
“Rõ ràng là nền kinh tế đang trên đà ‘hạ cánh nhẹ nhàng’ tại thời điểm này và trong lúc đó, chúng tôi nhận thấy có quá nhiều quan điểm bi quan về triển vọng kinh tế Trung Quốc, cũng như triển vọng về thị trường tài chính”, Hao Zhou, Chuyên gia kinh tế thị trường mới nổi cấp cao khu vực châu Á tại Commerzbank, cho biết trước khi Trung Quốc công bố dữ liệu GDP của Trung Quốc.
Trong quý 2/2018, Trung Quốc cho biết, tăng trưởng GDP là 6.7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn một chút so với mức 6.8% của quý 1/2018, khi Bắc Kinh ra tay kiểm soát đòn bẩy trong nền kinh tế giữa lúc căng thẳng thương mại ngày càng leo thang.
Trên thực tế, chiến dịch giảm bớt đòn bẩy tài chính đã chậm lại trong năm nay so với 2 năm trước đó, Zhou cho biết.
Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 4 lần trong năm nay. Những động thái này được mô tả là nỗ lực để bơm thêm thanh khoản cho thị trường và hỗ trợ tăng trưởng giữa lúc xung đột thương mại với Mỹ.
Trung Quốc cũng muốn triển khai chính sách tiền tệ tương đối thắt chặt để buộc giảm bớt đòn bẩy và giảm nợ. Tuy nhiên, các điều kiện tiền tệ dễ dàng hơn – xuất phát từ các đợt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc – lại được xem là công cụ để hỗ trợ tăng trưởng.
Mục tiêu tăng trưởng chính thức của Trung Quốc trong năm nay là quanh 6.5%. Và quốc gia này vẫn đang trên đường đạt mục tiêu này: Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6.7% trong 9 tháng đầu năm 2018, dựa trên số liệu thống kê chính thức.
Zhou dự báo, Bắc Kinh sẽ giữ tăng trưởng ổn định, nhưng sẽ có một số khó khăn trong quá trình đó.
Vũ Hạo (Theo CNBC)