Vietstock - Vì sao dòng vốn Hàn Quốc chọn Việt Nam để đầu tư?
Năm 2019 có thể nói là năm mà các doanh nghiệp Hàn Quốc có đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của Việt Nam khi đứng đầu danh sách các quốc gia đầu tư vào Việt Nam.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 38.02 tỷ USD, tăng 7.2% so với năm trước. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư đạt 20.38 tỷ USD, tăng 6.7%.
Trong năm qua, nếu tính theo đối tác đầu tư, có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 7.92 tỷ USD, chiếm 20.8% tổng vốn đầu tư. Hồng Kông đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 7.87 tỷ USD, Singapore đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 4.5 tỷ USD, chiếm 11.8% tổng vốn đầu tư.
Nếu nhiều năm về trước, những tên tuổi lớn của Hàn Quốc như Samsung, Tập đoàn CJ, KB Financial Group (KBFG),… tiến vào Việt Nam một cách từ tốn thì thời gian gần đây, dòng vốn từ Hàn đã chuyển hướng mạnh mẽ. Vậy nguyên nhân do đâu mà các nhà đầu tư Hàn chọn Việt Nam làm nơi gửi vốn?
Thương vụ đình đám nhất không thể không nhắc đến trong năm qua là việc KEB Hana Bank sở hữu 15% vốn của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV (HM:BID)). Số tiền BIDV thu ròng từ việc bán 603.3 triệu cp cho KEB Hana Bank là 20.2 ngàn tỷ đồng và giúp BIDV trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong hệ thống.
Theo PGS (HN:PGS).TS. Trương Quang Thông – Giảng viên Khoa Ngân hàng Trường Đại học Kinh tế TPHCM, người Hàn Quốc dường như có vẻ am hiểu, “gần gũi” và “đồng cảm” về môi trường, thể chế kinh doanh của Việt Nam nhiều hơn so với các nhà đầu tư ngoại quốc khác. “Tiềm năng thị trường Việt Nam chắc chúng ta không cần phải bàn nữa. Cơ hội kinh doanh thì chia đều cho tất cả về mặt lý thuyết. Nhưng đối với giới nhà băng Hàn Quốc, ngoài những điều kể trên, họ lại có lợi thế là quy mô đầu tư FDI Hàn Quốc rất lớn tại Việt Nam với hàng ngàn doanh nghiệp, hàng trăm ngàn người Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, nhất là tại TPHCM. Thành công của Shinhan Bank tại Việt Nam là một ví dụ”.
Shinhan Financial Group từ lâu đã không còn xa lạ gì với thị trường tài chính tại Việt Nam. Shinhan Bank đã có văn phòng đại diện tại Việt Nam từ những năm 1993 và hiện tại Shinhan Bank dẫn đầu quy mô khối ngân hàng Hàn Quốc tại Việt Nam với 36 chi nhánh và phòng giao dịch. Trong năm 2017, Shinhan Bank còn mua lại mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ của ANZ. Trong khi đó, Chứng khoán Shinhan Việt Nam cũng góp mặt trên thị trường sau thương vụ mua lại 100% vốn CTCP Chứng khoán Nam An đầu năm 2016.
Mở chi nhánh đầu tiên tại Việt Nam từ năm 1997, Woori Bank cùng với Shinhan Bank là 2 ngân hàng đến từ Hàn Quốc trong số 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Việt nam. Trong năm 2019, Woori Bank đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép nâng số chi nhánh từ 9 lên 13 chi nhánh và đặt mục tiêu 20 chi nhánh năm 2021. Đồng thời, Woori Bank (Việt Nam) cũng đã được NHNN chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ lên gấp rưởi. Sau khi được ngân hàng mẹ góp thêm vốn, vốn điều lệ của Woori Bank Việt Nam tăng từ 3,000 tỷ đồng lên 4,600 tỷ đồng, trở thành ngân hàng 100% vốn ngoại lớn thứ 2 tại Việt Nam, xếp sau HSBC.
Một thành viên khác từ Hàn Quốc là Deagu Bank cũng được chấp thuận mở chi nhánh tại TP.HCM (HM:HCM) vào tháng 12/2019 vừa qua.
Không chỉ riêng ngân hàng mà lĩnh vực tài chính tại Việt Nam cũng đang dần có sự góp mặt của các thành viên Hàn Quốc.
Hồi đầu năm 2018, Tập đoàn Prudential đã bán toàn bộ Công ty Tài chính Tiêu dùng Prudential Finance (PVFC) với giá 151 triệu USD cho Shinhan Card là công ty con của Shinhan Financial Group. Và đến tháng 05/2019, Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Công ty Tài chính Shinhan Việt Nam) đã chính thức hoàn tất về mặt thủ tục giấy phép để đưa công ty tài chính đi vào hoạt động tại Việt Nam.
Ngày 25/06/2019, Công ty Tài chính LOTTE (LOTTE Finance) cũng chính thức ra mắt thị trường Việt Nam, sau 6 tháng triển khai hoạt động kinh doanh.
Trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm VietinBank (VBI) đã trao Giấy Chứng nhận sở hữu cổ phần cho đối tác Hyundai Marine & Fire Insurance Company Limited (HMFI) - Công ty bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần lớn thứ 2 tại Hàn Quốc vào ngày 19/06/2019. Theo thỏa thuận đã được ký ngày 21/12/2018, HMFI đã mua 25% cổ phần (gần 16.7 triệu cp) của VBI.
SK Group thành lập quỹ đầu tư với tên gọi SK South East Asia Investment in Vietnam để nắm bắt cơ hội kinh doanh và mở rộng sự hiện diện của SK Group tại Đông Nam Á. Quỹ có vốn ban đầu 500 triệu USD được góp từ 5 công ty thành viên gồm SK E&C, SK Innovation, SK Telecom, SK Hynix và SK E&S. |
Thương vụ đình đám hơn cả là giữa tháng 05/2019, SK Group thông qua công ty đầu tư SK South East Asia Investment đã chi gần 1 tỷ USD để mua 154.3 triệu cp (6.2% vốn cổ phần) tại Tập đoàn Vingroup (HM:VIC). Chưa đầy 1 năm trước đó, SK Group cũng đã góp mặt vào ngành thức uống và thực phẩm tiêu dùng khi công bố đầu tư 470 triệu USD để sở hữu 9.5% cổ phần của Masan (HM:MSN) Group.
Bên cạnh hai khoản đầu tư lớn trên, một công ty con khác của SK Group là SK Energy còn nắm hơn 5% cổ phần của PV Oil, trị giá gần 30 triệu USD. Chưa dừng lại ở đó, SK Group và Cơ quan Hưu trí Hàn Quốc (NPS) cho biết sẽ triển khai một quỹ hợp tác doanh nghiệp (COPA) quy mô khoảng 860 triệu USD. Quỹ đầu tư này sẽ do SKS Private Equity và Stonebridge Capital quản lý và tập trung giải ngân vào các công ty tại Việt Nam thông qua các giao dịch M&A.
Đối với các nhà đầu tư ngoại nói chung và từ Hàn Quốc nói riêng, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn với lợi thế cạnh tranh trong khu vực đến từ chi phí lao động thấp, giá đất tương đối thấp, mức thuế doanh nghiệp ưu đãi,… Nhất là giữa bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra thì các nhà đầu tư lại muốn dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Thêm vào đó, kinh tế Việt Nam những năm gần đây tăng trưởng tốt, ổn định, công nghệ phát triển nhanh… còn nhiều tiềm năng để phát triển các dịch vụ tài chính công nghệ – một trong những điểm mạnh của các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Cát Lam