Vietstock - Dầu sụt hơn 3.5%, rớt mốc 45 USD khi nguồn cung tại Mỹ giảm yếu hơn dự báo
Giá dầu nới rộng đà sụt giảm vào ngày thứ Tư (14/06) sau khi dữ liệu từ Chính phủ Mỹ cho thấy nguồn cung dầu nước này giảm yếu hơn dự báo, CNBC cho hay.
Tính tới lúc 20h25 (giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI sụt 3.7% xuống 44.74 USD/thùng. Còn giá dầu Brent lao dốc 3.53% xuống 47 USD/thùng.
Trong ngày thứ Tư, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa hạ 1.7 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 09/06/2017, thấp hơn dự báo giảm 2.7 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.
Nguồn: CNBC
|
Nguồn cung xăng tăng 2.1 triệu thùng, trái ngược với dự báo giảm 457,000 thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters. Còn dự trữ các sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu sưởi và dầu diesel, tiến 328,000 thùng, thấp hơn dự báo tăng 686,000 thùng từ các nhà phân tích, EIA cho thấy.
Các hợp đồng dầu thô tương lai đã chịu rất nhiều áp lực sau khi các báo cáo cho thấy nguồn cung toàn cầu đang leo thang, qua đó làm dấy lên lo ngại thị trường có thể vẫn còn trong tình trạng dư cung trong khoảng thời gian dài hơn dự báo.
Giá dầu đã giảm hơn 10% kể từ cuối tháng 5 vừa qua do áp lực nặng nề từ tình trạng dư cung toàn cầu bất chấp thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Được biết, OPEC và các nhà sản xuất dầu khác như Nga đã nhất trí cắt giảm 1.8 triệu thùng/ngày và không gia tăng sản lượng cho đến đầu tháng 1/2018.
Tuy nhiên, mức độ tuân thủ thỏa thuận vẫn đang được xem xét lại và mới đây, OPEC cho biết sản lượng của nhóm đã tăng 336,000 thùng/ngày trong tháng 5/2017 lên mức 32.14 triệu thùng/ngày.
Dự trữ dầu thô đang dao động gần mức cao kỷ lục ở một vài khu vực trên thế giới, và các nhà sản xuất vốn không tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC hiện đang ra sức bơm nhiều dầu hơn.
Một số nhà phân tích vẫn không loại bỏ khả năng nguồn cung dầu sẽ sụt giảm nhanh chóng.
“Việc tái cân bằng sẽ mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, tại một số thời điểm, nhà đầu tư có thể bất ngờ khi thấy rằng cung và cầu ở thế cân bằng và ngay khi dự trữ toàn cầu bắt đầu bình thường hóa và trở về mức bình quân 5 năm thì họ sẽ bắt đầu lo lắng rằng chúng ta có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt dầu trên thị trường”, Chuyên gia kinh tế năng lượng hàng đầu tại ABN Amro, Hans van Cleef, cho biết.
Trong ngày thứ Tư, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết họ kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của nguồn cung dầu từ các nhà sản xuất dầu ngoài OPEC sẽ cao hơn mức tăng trưởng nhu cầu toàn cầu vào năm 2018.
“Về tổng sản lượng của các nhà sản xuất ngoài OPEC, chúng tôi kỳ vọng sản lượng sẽ tăng thêm 700,000 thùng/ngày trong năm nay”, IEA cho biết trong báo cáo thị trường dầu định kỳ hàng tháng.
Nguồn cung dầu đá phiến đã đẩy sản lượng dầu tại Mỹ tăng khoảng 10% lên mức 9.3 triệu thùng/ngày – không thấp hơn so với sản lượng của Ả-rập Xê-út bao nhiêu cả.
“Triển vọng dầu phụ thuộc vào tính hiệu quả của các đợt cắt giảm sản lượng của OPEC so với mức tăng nguồn cung dầu đá phiến ở Mỹ”, William O'Loughlin, Chuyên gia phân tích Australia's Rivkin Securities, cho biết.
Khi nguồn cung ở mức cao ngất ngưỡng, thì chúng ta cần có nhu cầu mạnh để hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, nhu cầu dầu đang có dấu hiệu suy yếu.