Vietstock - Dầu WTI về sát mốc 100 USD/thùng do lo ngại về kinh tế
Giá dầu WTI về mốc 100 USD/thùng vào ngày thứ Ba (10/5) xuống mức thấp nhất trong 2 tuần, khi triển vọng nhu cầu chịu áp lực bởi các đợt phong tỏa ở Trung Quốc và nguy cơ suy thoái ngày càng tăng, trong khi đồng USD mạnh hơn làm giá dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua đang dùng những đồng tiền khác.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu WTI lùi 3.33 USD (tương đương 3.2%) xuống 100.11 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent mất 3.48 USD (tương đương 3.28%) còn 102.46 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng dầu đều giảm phiên thứ 2 liên tiếp và sụt hơn 4 USD/thùng vào đầu phiên ngày thứ Ba.
Các chỉ số chính trên Phố Wall cũng đảo chiều giảm trong phiên đầy biến động do lo ngại về việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay và tăng trưởng kinh tế giảm tốc.
Vào đầu phiên, những nhận định từ Bộ trưởng năng lượng Ả-rập Xê-út và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã thúc đẩy dầu Brent và dầu WTI tăng hơn 1 USD/thùng.
Ủy ban châu Âu (EC) đã trì hoãn hành động đối với đề xuất cấm vận dầu Nga. Cần có sự thống nhất để cấm vận nhập khẩu dầu từ Nga, và trong khi một bộ trưởng Pháp cho biết các thành viên Liên minh châu Âu (EU) có thể đạt được một thỏa thuận trong tuần này, Hungary đã kiên quyết phản đối lệnh cấm vận.
Ngoài ra, một số nền kinh tế châu Âu có thể gặp khó khăn nếu nhập khẩu dầu Nga bị giảm nhiều hơn nữa. Nếu Nga trả đũa bằng cách cắt nguồn cung cấp khí đốt, các nền kinh tế mới nổi ở châu Âu, Trung Á và Bắc Phi có thể lùi trở về mức trước đại dịch, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) cảnh báo.
Ngoài lệnh cấm nhập khẩu dần dầu Nga gần đây của G7, Nhật Bản, quốc gia có 4% nhập khẩu dầu từ Nga vào năm ngoái, đã đồng ý loại bỏ dần việc mua bán này. Thời gian và phương pháp vẫn chưa được quyết định.
Tamas Varga của công ty môi giới PVM Oil Associates nhận định: “Sự kết hợp của các đợt phong tỏa liên quan Covid-19 ở Trung Quốc và việc nâng lãi suất trên toàn thế giới để đối phó lạm phát khiến nhà đầu tư cảm thấy bị đe dọa, củng cố đồng USD và làm gia tăng đáng kể lo ngại về suy giảm kinh tế”.
Đồng USD dao động gần mức cao nhất trong 2 thập kỷ trước khi dữ liệu về lạm phát có thể gợi ý triển vọng đối với chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Về nguồn cung, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã hạ dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ trong năm 2022 và 2023. Hiện cơ quan này dự báo sản lượng năm 2022 trung bình đạt 11.9 triệu thùng/ngày, thấp hơn so với dự báo trước đó là 12 triệu thùng/ngày.
An Trần (Theo CNBC)