Vietstock - Dầu tăng gần 3% khi xuất khẩu tại Mỹ tăng mạnh
Giá dầu vọt gần 3% vào ngày thứ Tư (26/10), được thúc đẩy bởi kim ngạch xuất khẩu dầu thô tại Mỹ cao kỷ lục và khi các nhà máy lọc dầy tại mỹ hoạt động ở mức cao hơn bình thường trong thời điểm này của năm.
Đồng USD suy yếu đã góp phần hỗ trợ giá dầu, khi sức mạnh của đồng bạc xanh vào cuối phiên là một yếu tố đáng chú ý kìm hãm đà tăng của thị trường dầu mỏ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu Brent tiến 2.17 USD (tương đương 2.3%) lên 95.69 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 2.59 USD (tương đương 3%) lên 87.91 USD/thùng.
Đồng USD suy yếu làm giá dầu trở nên ít đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác. Đồng bạc xanh đã mạnh hơn so với các đồng ngoại tệ chủ chốt khác khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết liệt hơn trong việc nâng lãi suất.
Dữ liệu của Chính phủ Mỹ định kỳ hàng tuần cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng 2.6 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn so với dự báo, nhưng thấp hơn số liệu của ngành, vốn cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ vọt 4.5 triệu thùng.
Xuất khẩu dầu thô tăng 5.1 triệu thùng/ngày, cao nhất từ trước đến nay, làm giảm lượng nhập khẩu dầu thô ròng tại Mỹ xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
John Kilduff, Đối tác tại Again Capital, nhận định: “Nhìn chung, nhờ thị trường xuất khẩu, điều này trở thành một báo cáo lạc quan mặc dù dự trữ dầu thô thương mại ở tăng ở mức trung bình”.
Nhà đầu tư cho rằng xuất khẩu tăng là do chênh lệch giá dầu WTI – dầu Brent nới rộng, khi đến phiên ngày thứ Tư, mức chênh lệch này là hơn 8 USD/thùng.
Tỷ lệ lọc dầu tại Mỹ vẫn ổn định ở mức 89% công suất, mức cao nhất cho thời điểm này trong năm kể từ năm 2018.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã khiến các thị trường bất ngờ với việc cắt giảm mục tiêu sản lượng lớn hơn dự báo vào đầu tháng này. Các chuyên gia phân tích dầu dự báo nguồn cung sẽ khan hiếm trong những tháng tới sau động thái này, và khi châu Âu được dự báo vào tháng tới sẽ cấm nhập khẩu dầu từ Nga và hạn chế các chuyến hàng hoá của Nga khỏi ngành bảo hiểm vận tải toàn cầu.
Lệnh cấm đó có thể làm thắt chặt các thị trường vận tải biển trên thế giới, điều này cũng có thể làm tăng giá dầu. Nhiều nhà phân tích tin rằng Nga có thể lách biện pháp này, nhưng nó vẫn có thể khiến Moscow phải thu hẹp sản lượng từ 1 triệu đến 2 triệu thùng/ngày, nó cũng có thể tác động đến thị trường các sản phẩm chưng cất.
An Trần (Theo CNBC)