Vietstock - Dầu giảm từ mức đỉnh năm 2014
Giá dầu quay đầu giảm nhẹ vào ngày thứ Năm (20/01) khi nhà đầu tư chốt lời sau đà leo dốc gần đây, tuy nhiên, nhu cầu mạnh mẽ và sự gián đoạn nguồn cung trong ngắn hạn tiếp tục hỗ trợ giá ở gần mức cao nhất kể từ năm 2014.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu Brent lùi 6 xu xuống 88.38 USD/thùng, sau khi giảm hơn 1 USD hồi đầu phiên. Hợp đồng dầu WTI mất 6 xu còn 86.90 USD/thùng.
Tamas Varga tại công ty môi giới PVM cho biết: “Tiếng nói của những người dự báo giá dầu đạt 100 USD/thùng ngày một lớn hơn”.
Những lo ngại về nguồn cung nhiều hơn trong tuần này sau khi một đám cháy đã tạm thời ngăn đường ống dẫn dầu từ Kirkuk của Iraq đến cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 19/01.
Một cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), nhà sản xuất lớn thứ 3 Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), càng làm gia tăng rủi ro địa chính trị.
Thị trường cũng được hỗ trợ bởi sự thiếu hụt nguồn cung từ các nhà sản xuất OPEC và đồng minh. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào ngày 19/01 cho biết OPEC+ đã sản xuất khoảng 800,000 thùng/ngày, thấp hơn mức sản lượng mục tiêu trong tháng 12/2021.
IEA cho biết trong khi thị trường dầu có thể thặng dự đáng kể trong quý 1/2022, dự trữ dầu thô có thể thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Cơ quan này cũng nâng dự báo nhu cầu năm 2022.
Dự trữ dầu của Mỹ tăng trong tuần trước đã gây áp lực lên giá dầu.
Cụ thể, dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng 1.4 triệu thùng trong tuần trước, trong khi dự trữ xăng vọt 3.5 triệu thùng, còn dự trữ các sản phẩm chưng cất giảm 1.2 triệu thùng, theo số liệu từ Viện Xăng dầu Mỹ (API) công bố vào ngày 19/01.
Chuyên gia phân tích Varga của PVM cho rằng lạm phát cao và triển vọng nâng lãi suất thể hiện rủi ro suy giảm đối với đà tăng giá dầu.
An Trần (Theo CNBC)