Vietstock - Dầu giảm 3 phiên liên tiếp
Giá dầu giảm phiên thứ 3 liên tiếp vào ngày thứ Tư (12/10), khi đồng USD mạnh hơn cùng với lo ngại về nhu cầu suy yếu và lãi suất cao đã lấn át những lo ngại về nguồn cung sau quyết định cắt giảm sản lượng mục tiêu hồi tuần trước của OPEC+.
Cả Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Bộ Năng lượng Mỹ đều hạ triển vọng nhu cầu. Tuần trước, cùng với các đồng minh bao gồm Nga, OPEC đã đẩy giá dầu tăng vọt khi thống nhất cắt giảm nguồn cung 2 triệu thùng/ngày.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu Brent lùi 2.02 USD (tương đương 2.14%) xuống 92.27 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mấy 2.38 USD (tương đương 2.66%) còn 87.69 USD/thùng.
OPEC vào ngày thứ Tư đã hạ triển vọng tăng trưởng nhu cầu trong năm nay từ 460,000 thùng/ngày đến 2.64 triệu thùng/ngày, với lí do sự tái bùng phát Covid-19 dẫn đến các biện pháp phong toả ở Trung Quốc và lạm phát cao.
OPEC cho biết trong báo cáo định kỳ hàng tháng: “Nền kinh tế thế giới đã bước vào thời kỳ đầy bất ổn và thách thức gia tăng”.
Bộ Năng lượng Mỹ đã hạ kỳ vọng đối với cả sản lượng và nhu cầu tại Mỹ. Hiện tại, mức tiêu thục chỉ tăng 0.9% trong năm 2023, giảm so với dự báo trước đó là tăng 1.7%. Sản lượng dầu thô được kỳ vọng tăng 5.2%, giảm so với dự báo tăng 7.2% trước đó.
Thị trường năng lượng cũng đang chịu áp lực từ đồng USD, vốn tăng vọt so với các đồng tiền khác như đồng Yên Nhật (JPY). Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cam kết tiếp tục nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát đã thúc đẩy lợi suất, khiến đồng bạc xanh trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Vào ngày thứ Tư, Chủ tịch Fed khu vục Minneapolis, Neel Kashkari, cho biết Fed sẽ tiếp tục lộ trình hiện nay vì “chúng tôi vẫn chưa thấy nhiều bằng chứng cho thấy lạm phát cơ bản… hạ nhiệt”.
Lạm phát ở cấp độ sản xuất tại Mỹ đã làm dấy lên lo lắng vào ngày thứ Tư, khi chỉ số giá sản xuất PPI tăng mạnh hơn dự báo. Đồng USD mạnh hơn cũng làm các hàng hoá được neo giá theo đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác và có xu hướng gây áp lục lên dầu và các tài sản rủi ro khác.
Quyết định của OPEC đã khiến Mỹ tức giận, với việc Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bộ “hậu quả” không xác định đối với quan hệ với Ả-rập Xê-út sau động thái này, do nguồn cung hiện nay trên toàn thế giới bị khan hiếm.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào ngày thứ Ba (11/10) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023 và cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu ngày càng tăng.
An Trần (Theo CNBC)