Vietstock - Chứng khoán Hàn Quốc tăng mạnh
Chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương rơi vào trạng thái trái chiều vào ngày thứ Hai (29/04), trong khi thị trường Nhật Bản tạm ngưng giao dịch nhân dịp lễ.
Tính tới lúc 14h ngày thứ Hai (29/04 – giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán Trung Quốc suy giảm, trong đó Shanghai Composite giảm 24 điểm (tương đương 0.78%), Shenzhen Component rớt hơn 1.8%, còn Shenzhen Composite lùi 1.208%.
Chỉ số CSI 300 – theo dõi những cổ phiếu lớn nhất ở Trung Quốc đại lục – tăng 0.78%. Cổ phiếu xe điện BYD niêm yết ở Thâm Quyến đã tăng hơn 1.6% sau khi công ty ghi nhận lãi ròng quý 1 tăng trưởng 632%. Cổ phiếu này ở Hồng Kông cũng tiến 0.19%.
Một nhà đầu tư nói với CNBC rằng mức định giá trên thị trường Trung Quốc hơi “chát” một chút tại thời điểm này.
“Khi bạn xem xét mức định giá trên cơ sở P/E và P/B của MSCI Trung Quốc, chúng đã trên mức trung bình 10 năm và 15 năm qua. Về chỉ số CSI 300, chúng đang tiếp cận mức trung bình lịch sử”, Ken Wong, Chuyên gia danh mục cổ phiếu châu Á tại Eastspring Investments, nói trên chương trình “Squawk Box” của CNBC trong ngày thứ Hai (29/04).
Trong kịch bản khi mức định giá lịch sử “bị làm quá đôi chút”, nhà đầu tư thường chốt lời, ông nói thêm. “Đây chính xác là những gì chúng tôi thấy trong tuần trước”.
Tuần trước, thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục ghi nhận tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2018, trong đó chỉ số Shanghai Composite giảm hơn 5.5%.
Công ty nghiên cứu Capital Economics cho rằng đà giảm mạnh của thị trường chứng khoán Trung Quốc là do nhận định từ cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của Trung Quốc về kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc. Trong khi các quan chức Trung Quốc cho biết họ sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế, GDP quý 1/2019 tăng trưởng mạnh hơn dự báo đã làm dấy lên lo ngại về khả năng nới lỏng chính sách trong ngắn hạn.
Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tiến 233.81 điểm (tương đương 0.79%). Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi cộng 37.12 điểm (tương đương 1.70%) khi cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao trong ngành Samsung Electronics tăng hơn 2% trước khi họ công bố báo cáo lợi nhuận vào ngày thứ Ba (01/05).
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 14h giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Ở một diễn biến khác, chỉ số ASX 200 của Australia lùi 26.1 điểm (tương đương 0.41%), khi phần lớn lĩnh vực đều đi xuống.
Chỉ số Straits Times của Singapore tăng 0.94% khi cổ phiếu DBS Group – ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á – vọt 2.74% sau khi ghi nhận lợi nhuận kỷ lục. Cổ phiếu của ngân hàng khác ở Singapore cũng leo dốc, trong đó cổ phiếu Oversea-Chinese Banking Corp tiến 2.2% và United Overseas Bank cộng 1.5%.
Nhật Bản hiện đang trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 10 ngày từ ngày 27/04-06/05 để ăn mừng lễ nhậm chức của Hoàng Thái tử Naruhito.
GDP quý 1/2019 của Mỹ tăng trưởng mạnh hơn dự báo
S&P 500 và Nasdaq Composite đóng cửa tại mức cao kỷ lục vào ngày thứ Sáu (26/04) khi dữ liệu kinh tế tốt hơn dự báo đã lấn át loạt báo cáo lợi nhuận trái chiều, CNBC đưa tin.
Cụ thể, chỉ số S&P 500 tiến 0.5% lên 2,939.88 điểm, mức đóng cửa cao mọi thời đại. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0.3% lên 8,146.40 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 81.25 điểm lên 26,543.33 điểm và dưới mức cao mọi thời đại 1.5%.
Vào ngày thứ Sáu, Bộ Thương mại Mỹ cho biết GDP của nước này trong quý 1 đạt 3.2%, cao hơn dự báo 2.5% từ các chuyên gia kinh tế. Sự gia tăng trong kim ngạch xuất khẩu đã thúc đẩy GDP tăng mạnh hơn dự báo.
“Đà tăng trưởng kinh tế sẽ lập kỷ lục mới về sụ bền bỉ trong tháng 7 tới và dường như không có gì ngăn cản nền kinh tế này”, Chris Rupkey, Chuyên gia kinh tế tài chính hàng đầu tại MUFG, nhận định. “Chúng ta đã có tất cả nhưng đã từ bỏ trong quý đầu tiên với tình trạng Chính phủ Liên bang đóng cửa kết thúc vào ngày 25/01/2019, điều kiện thời tiết mùa đông lạnh lẽo buộc phải ngừng sản xuất, và lo ngại về đà giảm tốc kinh tế trên toàn cầu”.
S&P 500 và Nasdaq Composite tăng mạnh trong tuần này sau khi hơn 140 công ty công bố kết quả lợi nhuận quý 1. Cả 2 chỉ số này lần lượt tăng 1.2% và 1.9%. Trong khi đó, Dow Jones giảm nhẹ trong tuần này, lùi 0.1%.
Vũ Hạo (Theo CNBC)