Vietstock - Bộ trưởng Ả-rập Xê-út: Giá dầu có thể xuống 50 USD nếu các thành viên OPEC+ phớt lờ thỏa thuận
Trong một cuộc họp ngày 02/10, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Dầu mỏ Ả-rập Xê-út, đã đưa ra lời cảnh báo tới các thành viên OPEC+. Thông điệp của ông rất rõ ràng: Tuân thủ hạn ngạch sản xuất, nếu không giá dầu có thể sụt giảm xuống mức 50 USD/thùng.
Hoàng tử Abdulaziz bin Salman
|
Lời cảnh báo này được hiểu như ngầm ám chỉ Ả-rập Xê-út sẵn sàng châm ngòi cho một cuộc chiến giá để bảo vệ thị phần nếu các quốc gia khác không tuân thủ thỏa thuận chung. Đây không phải lần đầu Ả-rập Xê-út thể hiện quyết tâm như vậy. Năm 2020, họ đã khởi xướng một cuộc chiến giá với Nga, khiến giá dầu lao dốc 65% trong một quý, xuống mức thấp nhất trong 17 năm. Thậm chí có thời điểm, giá dầu ở Mỹ rơi vào vùng âm lần đầu tiên trong lịch sử.
Trong khi đó, thị trường dầu mỏ đang chứng kiến những diễn biến phức tạp. Giá dầu Brent tăng 1.9% lên 75 USD/thùng ngày 02/10, đánh dấu phiên tăng thứ ba liên tiếp. Nguyên nhân chính đến từ lo ngại về gián đoạn nguồn cung khi xung đột ở Trung Đông leo thang. Phương Tây lo ngại rằng một cuộc chiến rộng hơn có thể cắt đứt xuất khẩu dầu từ vùng Vịnh đi qua eo biển Hormuz, giáp với Iran, và đẩy giá lên cao.
Tuy nhiên, điều đáng nói là dù căng thẳng địa chính trị kéo dài nhiều tháng, giá dầu vẫn không tăng và khiến các quan chức Ả-rập Xê-út không hài lòng. Họ cho rằng một phần nguyên nhân đến từ việc các thành viên khác trong tổ chức phớt lờ kế hoạch hạn chế sản xuất. Iraq và Kazakhstan bị chỉ đích danh là những "kẻ gian lận". Theo số liệu từ S&P Global Ratings, Iraq đã sản xuất vượt mức 400 ngàn thùng mỗi ngày vào tháng 8, trong khi Kazakhstan dự kiến sẽ tăng sản lượng với việc khôi phục mỏ Tengiz có công suất 720 ngàn thùng mỗi ngày.
Thông điệp từ Ả-rập Xê-út rất rõ ràng: "Không có ý nghĩa gì khi bổ sung thêm thùng dầu nếu thị trường không có chỗ cho chúng". Một đại biểu tham dự cuộc họp nhấn mạnh: "Một số nước nên im lặng và tôn trọng cam kết của họ đối với OPEC+".
Tuy nhiên, câu chuyện không dừng lại ở đó. Sau khi thông tin này được đăng tải, OPEC đã lên tiếng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) rằng những tuyên bố này là "hoàn toàn không chính xác và gây hiểu lầm". Trong một thông báo khác, tổ chức này cho biết liên minh đã thảo luận về kế hoạch để Kazakhstan, Nga và Iraq bù đắp cho sản lượng vượt quá hạn ngạch của họ trong mùa hè. Ba quốc gia này cũng khẳng định đã tôn trọng các cam kết vào tháng 9.
Ole Hansen, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank, đưa ra nhận định thận trọng: "Nếu họ kiểm soát được tình trạng gian lận này, có một cơ hội nhỏ là điều này sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến giá cả. Nhưng đó là một giả định lớn. Điều này dựa trên giả định rằng các quốc gia đang sản xuất vượt mức sẽ cắt giảm và tôi vẫn còn hoài nghi".
Thực tế, giá dầu đã có xu hướng giảm trong những tháng gần đây. Giá dầu Brent đã lao dốc khoảng 16% trong quý vừa qua, bất chấp nỗ lực của liên minh OPEC+ nhằm ổn định thị trường thông qua cắt giảm sản lượng. Nhóm đã nhiều lần gia hạn các biện pháp hạn chế, nhưng giá vẫn tiếp tục giảm.
Hệ quả của việc cắt giảm sản lượng là thị phần dầu mỏ của OPEC+ đã thu hẹp. Năm nay, con số này đạt 48%, giảm từ 50% vào năm 2023 và 51% vào năm 2022, theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Dự báo cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt hơn vào năm tới khi các kế hoạch tăng sản lượng ở Mỹ, Guyana và Brazil dự kiến sẽ bổ sung hơn 1 triệu thùng mỗi ngày vào nguồn cung dầu toàn cầu.
Mặc dù căng thẳng địa chính trị gia tăng, giá dầu vẫn ở mức dưới 75 USD một thùng - mức thấp nhất trong 9 tháng - chủ yếu do tăng trưởng kinh tế chậm lại. Các nhà phân tích cho rằng Ả-rập Xê-út cần giá ở mức 85 USD/thùng để giúp tài trợ cho quá trình chuyển đổi kinh tế của nước này.
Vũ Hạo (Theo WSJ)