Vietstock - Blockchain chuẩn bị làm khuynh đảo lĩnh vực giao dịch hàng hóa?
Blockchain đang dần đảo lộn thị trường tài chính trên thế giới với đà tăng vô cùng ấn tượng của Bitcoin, và hiện hệ thống sổ cái kỹ thuật số này cũng chuẩn bị làm một điều tương tự vào năm tới, nhưng là ở một lĩnh vực khác: Giao dịch hàng hóa.
Tháng trước, các công ty bao gồm BP Plc, ABN Amro Group NV và Mercuria Energy Group, cho biết họ sẽ sử dụng công nghệ Blockchain để dàn xếp quy trình giao dịch năng lượng vật chất. Hồi tháng 10/2017, 4 ngân hàng trên đã cùng với một công ty mạo hiểm do UBS Group AG và IBM khởi xướng để sử dụng Blockchain làm một nền tảng để giao dịch hàng hóa trên toàn cầu.
“Chúng tôi đang nói về một sự thay đổi khổng lồ trong cách thức giao dịch hàng hóa”, Eric Ervin, Giám đốc điều hành của Reality Shares – một công ty quản lý quỹ ở San Diego đã tạo ra một chỉ số để theo dõi lợi nhuận của các công ty áp dụng Blockchain, cho hay. “Mọi thứ đều diễn ra một cách tự động, không cần tới một đống thủ tục giấy tờ, quy trình xử lý và chuyển giao”.
Blockchain là một cuốn sổ cái trực tuyến ghi nhận tất cả giao dịch bằng cách sử dụng mã hóa để đảm bảo an toàn, đồng thời cho phép các nút mạng (thợ đào Bitcoin) xác nhận chúng. Hiện nay, công cụ sử dụng Blockchain nổi tiếng nhất là Bitcoin – vốn đã trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới trong năm 2017. Trong năm vừa qua, khi nhà đầu tư trở nên thoải mái hơn với cách hoạt động của Bitcoin và hệ thống sổ cái Blockchain, giá của đồng tiền kỹ thuật số này đã nhảy vọt hơn 2,000% và có lúc chạm mức kỷ lục ở 17,578.45 USD trong tháng này.
Mặc dù thị trường Bitcoin phụ thuộc vào Blockchain để chuyển giao và lưu trữ giá trị của mỗi token kỹ thuật số, nhưng công nghệ theo dõi minh bạch như Blockchain còn có tiềm năng lớn hơn nữa ở những lĩnh vực đang cần phương tiện lưu trữ và trao đổi lượng dữ liệu khổng lồ.
Hồi tháng 10/2017, Chính phủ Ukraina cho biết họ sẽ sử dụng công nghệ Blockchain để quản lý việc đăng ký đất trồng trọt vì hệ thống hiện tại dễ bị gian lận và có khả năng dẫn tới các tranh cãi về quyền sở hữu. Ở vùng Sahara của châu Phi, một công ty phân bón và chủ của một sàn giao dịch đang sử dụng công nghệ Blockchain để phát triển nền tảng hàng hóa nông nghiệp.
Blockchain là một điểm bán hàng lớn đối với ngành thực phẩm trên toàn cầu để xác định những thành phần giả và theo dõi nguồn ô nhiễm trong suốt quá trình thu hồi sản phẩm. Đại học Bang Michigan ước tính rằng chi phí gian lận trong ngành thực phẩm toàn cầu có thể lên tới 40 tỷ USD/năm. Hồi tháng 8/2017, IBM cho biết họ đang phối hợp với một nhóm công ty bao gồm Wal-Mark Stores, Nestle SA, Tyson Foods, Unilever NV và McCormick để tìm ra cách thức phối hợp về Blockchain.
Từ vài tuần xuống chỉ còn vài giây
Trong hầu hết chuỗi cung ứng thực phẩm, dường như phải mất hàng tuần để xác định nguồn gốc của thực phẩm. Trong một số trường hợp, nguồn gốc có thể không biết được, Arvind Krishna, Giám đốc nghiên cứu của IBM, cho biết tại hội nghị công nghệ ngày 05/12 ở Park City, Utah. “Nếu dựa trên Blockchain thì chỉ mất vài giây”, Krishna cho hay.
Blockchain cũng trở nên một công cụ quan trọng cho các công ty giao hàng. Hồi tháng 3/2017, AP Moller-Maersk A/S đã tiết lộ với IBM về một hệ thống sổ cái hỗ trợ quản lý và theo dõi các dấu vết giấy tờ của hàng chục triệu container. Khoảng 16 ngàn tỷ USD nguyên liệu thô được vận chuyển trên khắp hành tinh mỗi năm, và việc theo dõi tốt hơn có thể giảm đáng kể chi phí lưu trữ hồ sơ. Được biết, khoản chi tiêu cho giấy tờ chiếm 7% giá trị giao dịch toàn cầu.
Rủi ro tiềm ẩn
Dẫu vậy, để hệ thống Blockchain được chấp nhận rộng rãi cần phải có một thời gian, vì việc chuyển sang hệ thống mới sẽ gây gián đoạn hoạt động và cần có tiền đầu tư. Ngoài ra, cũng xuất hiện mối lo ngại về rủi ro tiềm ẩn của việc đưa tất cả dữ liệu lên mạng trực tuyến.
Hồi tháng 7/2017, CoinDash – một start-up sử dụng công nghệ Blockchain – cho biết trang web của họ bị tin tặc tấn công và những nhà đầu tư cố gắng tham gia vào đợt ICO của công ty đã mất 7 triệu USD. Hồi tháng 11/2017, Tether tiết lộ hacker đã lấy mất 31 triệu USD dưới dạng token kỹ thuật số và chuyển sang một địa chỉ Bitcoin trái phép.
“Quá nhiều thứ có thể đi sai hướng. Trước khi đặt niềm tin vào nó, chúng ta phải theo dõi nó hoạt động ra sao sau một thời gian”, Peter Thomas, Phó Chủ tịch cấp cao tại Zaner Group LLC, cho hay.
Một số công ty không thể ngồi yên chờ đợi, và họ đã tuyên bố kế hoạch áp dụng Blockchain trong thời gian tới. Arnaud Stevens, Trưởng Bộ phận Năng lượng & hàng hóa trên toàn cầu của Natixis, nhận định Blockchain có thể đem lại sự đổi mới vô cùng cần thiết trong một ngành công nghiệp tốn quá nhiều giấy tờ và lao động trong khâu xử lý.
Giao dịch năng lượng
Các công ty tiện ích châu Âu Enel SpA và RWE AG đã tham gia vào một dự án để thử nghiệm các giao dịch dựa trên Blockchain trong lĩnh vực điện và khí thiên nhiên. Trong khi đó, TenneT Holding BV đang xem xét sử dụng Blockchain để quản lý mạng lưới điện năng.
Hồi ngày 12/12, Vemanti Group cho biết sẽ đầu tư vào một công ty có trụ sở ở Singapore để phát triển nền tảng giao dịch năng lượng dựa trên Blockchain.
Thậm chí, trong tháng này Tổng thống Venezuela còn đề xuất phát hành một loại tiền kỹ thuật số có tên là “Petro” để thay thế cho đồng nội tệ - vốn đang tụt dốc không phanh vì các lệnh trừng phạt kinh tế và một giai đoạn suy thoái kéo dài. Được biết, đồng Petro sẽ được hậu thuẫn bởi dự trữ dầu, khí gas, vàng và kim cương. Tuần này, một nhóm đã tuyên bố kế hoạch sử dụng Blockchain để tạo ra đồng OilCoin – đồng tiền kỹ thuật số do Chính phủ Mỹ kiểm soát và sẽ được hậu thuẫn bởi dầu thô.
Người tiêu dùng cũng hưởng lợi từ công nghệ Blockchain. Ở Thái Lan, nhà sản xuất điện BCPG Pcl cho biết trong tháng trước rằng họ lên kế hoạch sử dụng Blockchain để cho phép khách hàng – những người sản xuất năng lượng thông qua điện mặt trời – tham gia vào hoạt động giao dịch năng lượng dựa trên mạng Internet.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)