Vietstock - Dự luật Quản lý thuế rất chung chung rồi "giao cho ông này ông kia"
Phát biểu cuối giờ chiều 15.11 tại phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đại biểu (ĐB) Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) tỏ ra khá thất vọng với quy định của dự luật.
ĐB Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai).
|
Trước đó, Quốc hội đã có buổi thảo luận tại hội trường và ở tổ về dự án luật này. Cũng tương tự các buổi thảo luận trước, nhiều ĐB quan tâm đến nội dung quy định về khoanh nợ, xoá nợ và thẩm quyền xoá nợ.
Theo đó, dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã bổ sung quy định về khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với các đối tượng người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, doanh nghiệp chờ giải thể, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được khoanh nợ thuế.
ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) và nhiều ĐB khác cho rằng vấn đề xoá nợ, khoanh nợ nhiều nước trên thế giới đã làm nhưng vấn đề cần xác định là cụ thể, xác đáng chứ quy định như trong dự luật còn chung chung. Theo ĐB, cần làm lại tránh thất thoát ngân sách. Cần cơ chế kiểm soát chéo để đảm bảo công bằng.
Phát biểu cuối giờ chiều, ĐB Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) tỏ ra khá thất vọng với quy định của dự luật khi cho rằng, luật thuế là luật rất quan trọng nhưng các quy định đưa ra mới chung chung, “rồi giao cho ông này ông kia" quy định chi tiết. Trong khi đó, theo ĐB, “trên thế giới này chỉ có 2 điều biết chắc chắn là cái chết và thuế”.
ĐB cũng thẳng thắn: Việc khoanh nợ, xoá nợ như trong dự luật chẳng khác gì “vẽ đường cho hươu chạy”, từ vòi con mực thành trăm cái xúc tu.
Về quy định thẩm quyền xoá nợ, đa số đại biểu không đồng tình với việc thủ trưởng cơ quan thuế và hải quan (bao gồm tổng cục trưởng và các cục trưởng) có quyền xoá nợ vì dễ “phát sinh tiêu cực, dễ tuỳ tiện, tiêu cực” như phát biểu của ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc). Có ý kiến nên chuyển quyền xoá nợ cho chủ tịch UBND tỉnh.
Một số vấn đề khác được các ĐB quan tâm thảo luận là cần quy định cụ thể, thực chất về hội đồng tính thuế địa phương vì theo ĐB Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp), nhiều nơi, hội đồng thuế chỉ là hình thức, các thành phần của hội đồng do cơ quan thuế điều phối. Để tránh tình trạng hộ kinh doanh thu nhập cao nhưng nộp thuế ít cần cơ chế ấn định thuế cụ thể vì “ai mà biết cán bộ thuế có công tâm hay không”.
ĐB Lê Quang Huy (Nghệ An) cho rằng, dự luật mới chỉ đề cập đến lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trò chơi tực tuyến... một cách chung chung, mờ nhạt chưa cụ thể, cần xác lập rõ hơn.
Phát biểu tạo sự chú ý lớn của hội trường là đề xuất không thu thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất trong nước có điều kiện. Theo đó, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) đề nghị, Quốc hội và Chính phủ sớm xem xét, bổ sung đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hoá là ôtô sản xuất trong nước khi đạt tỉ lệ phần trăm nội địa hoá nhất định. Hoặc xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ôtô dưới 9 chỗ sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.
|
XUÂN HÙNG - THÀNH TRUNG