Vietstock - Điện tăng giá bất thình lình: Người dân "choáng", doanh nghiệp "kêu trời"
Trước thông tin giá điện tăng bất thình lình, nhiều người tỏ ra lo lắng bởi lẽ khi giá điện tăng, người tiêu dùng không chỉ phải chi trả thêm vài nghìn đến vài chục nghìn đồng trong biểu giá điện mà các dịch vụ ăn theo giá điện cũng tăng theo.
Bắt đầu từ ngày 01.12, giá điện bán lẻ bình quân sẽ tăng lên mức 1.720,65 đồng/kWh.
Người dân khổ vì điện tăng giá. Ảnh: BCT
|
Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Minh Hồng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị và chồng làm văn phòng, mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng. Gia đình có 4 người, ở nhà thuê, nay điện tăng giá khiến chị rất lo lắng.
"Tăng giá cũng được nhưng ít nhất cũng phải thông báo trước 1 - 2 tháng để người dân đỡ "choáng". Tôi không hiểu tại sao, Bộ Công Thương quyết định tăng giá ở thời điểm này, Tết nhất đã đến gần mà điện tăng giá thì không biết bao nhiêu mặt hàng tăng theo", chị Hồng nói.
Bạn Nguyễn Phương Duy (sinh viên) chia sẻ, giá điện như hiện nay đã là gánh nặng rồi, giờ tăng thêm "chúng tôi chỉ biết than trời". "Giá điện kinh doanh ở các nhà trọ sinh viên bây giờ khoảng 4.000 - 4.500 đồng/kWh đã là cao. Bình thường mỗi tháng phải trả 300.000 đồng tiền điện, giờ tăng lên nhiều như vậy, chúng tôi chưa biết xoay xở thế nào", sinh viên này nói.
Không chỉ những người dân sử dụng điện sinh hoạt kêu than vì điện tăng giá. Nhóm sử dụng điện phục vụ sản xuất, kinh doanh cũng "kêu trời". Ví dụ, giá điện sản xuất đối với cấp điện áp 110KV trở lên trong giờ cao điểm sẽ tăng từ 2.459 lên 2.580 đồng/KWh.
Giá điện thuộc nhóm kinh doanh, mức giá thậm chí còn tăng mạnh hơn. Cụ thể, cấp điện áp 22 KV trở lên trong giờ cao điểm sẽ phải trả giá điện 3.957 đồng/KWh; cấp điện áp từ 6 đến dưới 22KV có giá 4.095 đồng/KWh và dưới 6KV có giá 4.267 đồng/KWh.
Đánh giá về vấn đề tăng giá điện, chuyên gia kinh tế - TS Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ KHĐT) cho hay, nhìn toàn cục mà nói, tăng vào thời điểm này là hợp lý bởi lẽ ngân sách năm nay khá căng thẳng, 10 tháng rồi chỉ đạt được trên 70% dự toán thu. Việc tăng giá điện từ đầu tháng 12 cũng góp phần vào tăng thu.
Chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long lại cho rằng: “Ngành điện là ngành độc quyền nên cân nhắc xem có cần thiết phải tăng giá hay không. Các đợt trước, mỗi lần tăng ngành điện đều có thông báo và đưa ra các phương án xin ý kiến công luận và ý kiến của các tổ chức chính trị, đoàn thể, xã hội đặc biệt là của Tổng LĐLĐVN. Đây là một vấn đề nhạy cảm. Tại sao lần này lại tăng một cách bất ngờ?”.
Cường Ngô