Định giá và khuyến nghị
Chúng tôi điều chỉnh dự báo tăng 28,4% lợi nhuận sau thuế (LNST) của GAS (HM:GAS) sau kết quả kinh doanh 9T2020, cùng với dự báo lợi nhuận 2021 của công ty sẽ tiếp tục cải thiện. Giá mục tiêu 12 tháng được nâng 65.500 đ/cp lên 95.000 đ/cp (+45%) và nâng khuyến nghị GAS lên Tăng tỷ trọng.
Cập nhật & dự phóng
- Chịu khủng hoảng kép nhưng kết quả 9T2020 vượt kì vọng
Kết quả kinh doanh 9T/2020 vượt kỳ vọng doanh nghiệp. Cụ thể, tổng doanh thu ước đạt gần 48.625 tỷ đồng (-16,6% cùng kỳ - CK), bằng 107% kế hoạch 9 tháng. Lợi nhuận sau thuế đạt 6.129 tỷ đồng (- 34,3% CK), bằng 127% kế hoạch 9 tháng và thực hiện khoảng 90% kế hoạch cả năm. Kết quả tích cực này cho thấy GAS đang có “sức đề kháng” tốt hơn với những rủi ro mang tính hệ thống. Năm 2020, chúng tôi dự báo GAS sẽ đạt 69.300 tỷ đồng doanh thu (-7,6% CK), vượt 10% kế hoạch, trong khi LNST cho cổ đông công ty mẹ đạt 8.521 tỷ đồng (-28,4% CK), vượt 28,4% kế hoạch năm.
- Dòng khí từ Sao Vàng – Đại Nguyệt tạo động lực tăng trưởng cho 2021
Tháng 11/2020 GAS nhận dòng khi đầu tiên từ mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt, với sản lượng mỗi năm khoảng 1,5 tỉ m3 khí trong những năm đầu khai thác. Nguồn khí Sao Vàng - Đại Nguyệt sẽ đảm bảo nguồn cung khí cho sản xuất điện của các hộ tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Bộ ổn định hơn (khu vực Đông Nam Bộ chiếm khoảng 22% sản lượng điện tiêu thụ cả nước).
- Tiếp tục triển khai các dự án kho LNG củng cố vị thế độc quyền ngành khí
Giai đoạn 2021 – 2025, GAS tập trung đầu tư phát triển hệ thống kho LNG, thực hiện mục tiêu trở thành nhà phân phối LNG hàng đầu Việt Nam. Danh mục các dự án lớn của công ty như: LNG Thị Vải giai đoạn 1 (giá trị 285 triệu USD, công suất 1 triệu tấn LNG/năm, thời gian đầu tư 2021 - 2023) và giai đoạn 2 (công suất 3 triệu tấn LNG/năm), Kho LNG Sơn Mỹ (giá trị ước tính 1,4 tỷ USD, công suất cả 2 giai đoạn 6 triệu tấn LNG/năm, thời gian đầu tư 2021 - 2024).
Quy mô đầu tư các dự án kho LNG rất lớn đòi hỏi nhà đầu tư phải có tiềm lực tài chính rất mạnh, đây là yếu tố tạo nên rào cản gia nhập lĩnh vực này. Trong khi đó, GAS hiện là doanh nghiệp dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tốt (12.000 – 14.000 tỷ đồng/năm trong 2017 – 2019). Tính đến 30/9/2020, công ty có số dư tiền và tiền gửi lên đến hơn 25.000 tỷ đồng. Đây sẽ là nguồn sức mạnh tài chính, hỗ trợ lớn cho việc thực hiện các dự án đầu tư trong chiến lược phát triển của công ty.
Dữ liệu quan trọng
GAS đang trở nên vững vàng hơn trong rủi ro
Ngành dầu khí là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, biện pháp “cách ly xã hội” làm ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu, khí. Thêm vào đó việc giá dầu giảm mạnh có lúc rơi về mức âm lần đầu tiên trong lịch sử vào ngày 20/04/2020 đã ảnh hưởng rất lớn đến các công ty trong ngành.
Trong bối cảnh trên, GAS cũng chịu ảnh hưởng mạnh khi lợi nhuận sau thuế 9T2020 đạt 6.129 tỷ đồng, rơi về mức của các năm 2016 và 2017 (hình 1). Năm 2016, lợi nhuận GAS giảm về mức thấp do nguyên dân giá dầu Brent giảm mạnh về dưới 40 USD/ thùng. Diễn biến tương tự trong giai đoạn đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát, giá dầu Brent trong quý 1/2020 đã giảm về mức trung bình chỉ 22 USD/ thùng.
Dựa trên thay đổi lợi nhuận hàng quý (Hình 2), chúng tôi đánh giá GAS đang trở nên vững vàng hơn với các biến cố bất lợi. Cụ thể, cuối năm 2015 khi giá dầu chạm mức bình quân dưới 40 USD, lợi nhuận giai đoạn Q4/2015 – Q3/2016 của GAS giảm mạnh về quanh mức 1.000 tỷ đồng mỗi quý. So sánh với giai đoạn quý 1 và quý 2 năm 2020, giá dầu giảm về mức 22 USD/ thùng và hồi phục quanh mức 40 USD/ thùng, lợi nhuận của GAS đã giảm về mức 1.714 tỷ đồng trong quý 2 và hồi phục lên 2.023 tỷ đồng trong quý 3. Diễn biến này tích cực hơn rất nhiều so với kế hoạch đề ra của công ty.
Dòng tiền kinh doanh lớn giúp đảm bảo tiến độ đầu tư các dự án giai đoạn 2021 – 2025
Thực hiện mục tiêu phát triển giai đoạn 2021 – 2025, PV GAS tập trung đầu tư phát triển các dự án thuộc lĩnh vực chính như: Chuỗi dự án Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 2 và Sao Vàng – Đại Nguyệt năm 2020; Kho LNG Thị Vải 1 triệu tấn (dự kiến hoàn thành năm 2023); Đường ống thu gom khí Sư Tử Trắng năm (dự kiến hoàn thành năm 2024); Mở rộng, nâng cấp Kho LNG Thị Vải lên 3 triệu tấn (thực hiện sau GĐ 1); Kho LNG Sơn Mỹ (dự kiến hoàn thành năm 2024); Đường ống Lô B-Ô Môn; Nâng tổng công suất kho chứa LPG đạt 150 nghìn tấn năm 2025...
Trong đó một số dự án đã công bố giá trị đầu tư ước tính như: Kho LNG Thị Vải – GĐ 1 trị giá 285 triệu USD, Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ với giá trị khoảng 1,4 tỷ USD, Đường ống Lô B-Ô Môn ước tính 1,2 tỷ USD. Tuy giá trị đầu tư các dự án trên có quy mô lớn nhưng chúng tôi nhận thấy năng lực tài chính của GAS có thể đảm bảo tiến độ các dự án trên.
GAS hiện đang có lượng tiền rất lớn lên đến hơn 25.000 tỷ đồng (tại ngày 30/09/2020). Dòng tiền hoạt động kinh doanh của công ty luôn duy trì thặng từ 12.000 – 14.000 tỷ đồng giai đoạn 2017 - 2019.
Định giá
Chúng tôi thực hiện định giá GAS theo phương pháp so sánh mức P/E của chính doanh nghiệp trong quá khứ. Chúng tôi cho rằng việc tham chiếu P/E quá khứ là phù hợp với đặc thù hoạt động của GAS khi doanh nghiệp mang tính độc quyền trong việc kinh doanh, vận chuyển và phân phối khí nội địa. Với vai trò rõ nét trong lĩnh vực an ninh năng lượng, chúng tôi đánh giá công ty sẽ luôn nhận được sự chú ý của thị trường.
Theo thống kê, chỉ số P/E 5 năm giai đoạn 2015 – 2020 của GAS dao động trong mức 5,66 – 23,26, trong đó loại trừ giai đoạn thấp vào cuối 2015 mức P/E phổ biến của cổ phiếu này thay đổi trong ngưỡng 11,54 – 18,88 lần.
Với dự báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 đạt 8.521 tỷ đồng và sẽ tiếp tục cải thiện lên mức 10.871 tỷ đồng trong năm 2021, mức EPS dự phóng cho năm 2020 sẽ đạt 4.454 đ/cp và 2021 là 5.680 đ/cp. Với mức P/E mục tiêu 18,88 lần thì giá mục tiêu 12 tháng của GAS sẽ ở vùng trung bình của 84.000 đ/cp (theo EPS 2020) và 106.000 đ/cp (theo EPS năm 2021), tương ứng mức giá 95.000 đ/cp.