Các chỉ báo kinh tế về sức mạnh nền kinh tế như GDP, PMI, doanh số bán lẻ, tốc độ giải ngân đầu tư công đều giảm từ mốc đỉnh điểm năm 2022. Khu vực giao thương quốc tế như thu hút nguồn vốn FDI, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu cũng cho thấy các dấu hiệu suy yếu. Do đó, tôi đánh giá rằng nền kinh tế Việt Nam đang ở đầu chu kì suy thoái/giảm tốc. Tuy nhiên, không nên quá bi quan, do khả năng cao VN sẽ chỉ suy thoái nhẹ theo chu kỳ.
Để có cái nhìn chi tiết hơn, chúng ta hãy cùng đánh giá từng chỉ báo kinh tế
I. VĨ MÔ VIỆT NAM
I.1 GDP
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quý I/2023 được ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, một con số vượt ngoài dự đoán của các nhà quan sát. Tuy nhiên, việc GDP của khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4% đáng chú ý cho thấy tốc độ tăng trưởng sản xuất đang giảm đi đáng kể.
Điều đáng lo ngại là TP. Hồ Chí Minh, một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, chỉ đạt tăng trưởng GDP 0,7% YoY, thấp nhất trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Ngành bất động sản, một trong 4 ngành dịch vụ trọng yếu, tiếp tục trạng thái ảm đạm với mức sụt giảm lên đến 16,2% YoY. Doanh thu kinh doanh bất động sản cũng giảm mạnh đến 17,8%.
I.2 PMI
Sau khi hồi phục mạnh mẽ trong tháng 2, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành SX Việt Nam đã quay đầu giảm xuống còn 47,7 điểm, báo hiệu nền sản xuất của Việt Nam một lần nữa trở lại co hẹp.
Trả lời phỏng vấn của SPGlobal, các doanh nghiệp sản xuất nhận định, đà tăng trưởng dừng lại đã phản ánh bức tranh tương đối ảm đạm của cả nhu cầu nội địa và quốc tế. 3/5 cấu phần của PMI là sản lượng sản xuất, đơn đặt hàng mới đều ghi nhận suy giảm trong tháng 3. Điểm sáng hiếm hoi của báo cáo PMI tháng 3 là tốc độ giao hàng đã được rút ngắn nhiều nhất 8 năm, cho thấy sự cải thiện đáng kể của chuỗi cung ứng.
I.3 Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ
Sau đà tăng bền vững xuyên suốt năm 2022, doanh thu bán lẻ đã có sự giảm tốc. Q1/2023, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 1,505 tỷ (+14% YoY, -1% QoQ). 2 mục đóng góp chính vào tăng trưởng bán lẻ đến từ khu vực dịch vụ. Cụ thể, doanh thu dịch vụ lưu trú & ăn uống tăng +28.4% YoY, trong khi doanh thu dịch vụ lữ hành tăng +220% YoY.
Triển vọng doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chuyển động có sự phân hóa rõ rệt giữa các cấu phần. Triển vọng ngành dịch vụ hiện được đánh giá tốt (có thể thấy qua số liệu Q1/2023 đã đề cập) do Trung Quốc mới mở cửa, nhu cầu du lịch sang Việt Nam tăng cao. Tuy nhiên, triển vọng bán lẻ hàng hóa khá ảm đạm do nhu cầu tiêu dùng từ cả quốc tế lẫn nội địa đều có dấu hiệu suy yếu (theo khảo sát của SPGlobal).
II. VĨ MÔ THẾ GIỚI
II.1 Chính sách tiền tệ thế giới: Đông - Tây phân hóa
Trong khi NHTW Mỹ và EU vẫn tiếp tục quá trình thắt chặt do lạm phát các quốc gia phương Tây còn cao, các quốc gia châu Á như Trung Quốc và Nhật Bản đã bắt đầu nới lỏng định lượng từ tháng 12/2023.
Với nhu cầu thúc đẩy nền kinh tế, và không có nỗi lo lạm phát, tôi đánh giá chính sách tiền tệ khu vực Châu Á sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường trong năm 2023.
II.2 Nhu cầu thị trường Trung Quốc chưa hồi phục
Năm 2021, khi Mỹ nới lỏng các điều lệnh phòng chống COVID, dòng tiền giá rẻ, ồ ạt được bơm ra thị trường cộng với nhu cầu người tiêu dùng bị dồn nén đã tạo nên cơn bão về nhu cầu, làm quá tải chuỗi cung ứng. Khi Trung Quốc mở cửa vào T11/2022, nhiều nhà phân tích đánh giá câu chuyện tương tự sẽ xảy ra, nhu cầu tiêu dùng quốc gia này sẽ tăng vọt, và từ đó dẫn đến lạm phát tổng cầu.
Trên thực tế, dự đoán trên của các nhà phân tích đã sai. Dựa vào lượng tiền gửi tiết kiệm (China Household Deposit), có thể thấy dù đã mở cửa được 3 tháng, người tiêu dùng Trung Quốc hiện vẫn chú trọng hơn việc tiết kiệm tiền thay vì đẩy mạnh tiêu dùng. Một số doanh nghiệp cũng phản ánh, dù lãi suất thấp, chính sách hỗ trợ, nhưng do triển vọng kinh tế chưa khả quan, nên nhu cầu vay để mở rộng sản xuất, kinh doanh vẫn chưa cao.
Do đó, Trung Quốc sẽ cần thêm thời gian (đến Q3-Q4/2023) để có thể hồi phục nhu cầu tiêu dùng quốc gia này.
III. Kết luận chu kì kinh tế
Ở thời điểm hiện tại, các chỉ báo của Việt Nam đều cho thấy nền kinh tế đang ở pha giảm tốc/suy thoái: (1) GDP tăng trưởng thấp, (2) PMI liên tục ở mức co hẹp, (3) Tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng hóa & dịch vụ chững lại dù mảng dịch vụ lưu trú, du lịch đã được hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa, (4) Giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu suy giảm, (5) Nguồn vốn FDI suy giảm
Với nhu cầu tiêu dùng phương Tây dự phóng sẽ tiếp tục suy yếu trong năm 2023, tốc độ hồi phục kinh tế Trung Quốc chưa mạnh, tôi đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang ở đầu chu kì suy thoái và sẽ tiếp tục yếu đi trong Q2.
Tuy nhiên, tôi kỳ vọng đây sẽ chỉ là một cuộc suy thoái theo chu kì (suy thoái nhẹ), và sẽ hồi phục tương đối nhanh, nhất là khi chính phủ hiện đang ban hành rất nhiều các chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế - ví dụ như (1) giảm lãi suất điều hành, (2) ban hành các nghị định hỗ trợ thị trường BĐS, thị trường TPDN hay (3) kéo dài thời hạn giảm thuế giá trị gia tăng
Để đọc chi tiết hơn báo cáo vĩ mô Quý 1/2023 (có thêm các phần bàn luận về FDI, xuất nhập khẩu, thị trường vốn, và rủi ro hệ thống tài chính Mỹ), độc giả vui lòng truy cập:
https://www.dsc.com.vn/bao-cao-vi-mo-quy-1-2023