Định giá và khuyến nghị
Chúng tôi sử dụng P/E và P/B lịch sử để định giá PLX (HM:PLX), theo đó mức giá hợp lý của PLX trong 12 tháng là 60.200 đồng/cổ phiếu (cp), cao hơn 17,1% so với giá đóng cửa ngày 26/11/2020. Chúng tôi khuyến nghị Tăng tỷ trọng với CP PLX.
Điểm nhấn đầu tư
- Lợi nhuận Q3/2020 hồi phục mạnh nhờ hoạt động bán lẻ
Trong Q3/2020, PLX ghi nhận 27.481 tỷ đồng doanh thu, giảm 43,5% so với cùng kỳ (CK), tuy nhiên do biên lãi gộp tăng mạnh lên 11,4% so với mức 6,9% CK nên lãi gộp đạt 3.136 tỷ đồng (-7,1% CK). Doanh thu giảm mạnh chịu ảnh hưởng chính bởi giá bán lẻ xăng dầu giảm bình quân 27% so với Q3/2019, trong khi biên lãi gộp cải thiện trong Q32020 nhờ tỷ trọng lợi nhuận định mức trong giá bán cao hơn so với cùng kỳ.
Kết thúc Q3/2020, PLX ghi nhận 1.113 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (LNTT -5,2% CK), phần lợi nhuận sau thuế (LNST) của cổ đông công ty mẹ đạt 853 tỷ đồng (-4,7% CK). Trong đó, kênh bán lẻ xăng dầu đã hồi phục về sát mức trước dịch khi chỉ còn giảm 2% so với Q3/2019.
- Kế hoạch cấu trúc lại phần vốn Nhà nước có thể sớm được công bố
Ngày 29/06/2020 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 908/QĐ-TTg, theo đó PLX thuộc nhóm doanh nghiệp xây dựng phương án cụ thể về sắp xếp, thoái vốn Nhà nước đến hết năm 2020.
Trong tình hình chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kế hoạch thoái vốn có thể sẽ được diễn ra nhanh hơn. Hiện nay, PLX đã lên kế hoạch bán toàn bộ 103 triệu cổ phiếu quỹ trong năm 2020 và 2021 để bổ sung nguồn vốn kinh doanh.
Rủi ro
- Biến động giá xăng dầu
Giá xăng dầu thế giới biến động lớn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo hướng bất lợi. Trường hợp giá tăng mạnh, giá bán lẻ không tăng kịp sẽ làm giảm biên lợi nhuận của công ty, trường hợp giá giảm sẽ kéo theo việc công ty phải trích lập dự phòng giảm giá tồn kho. Tuy nhiên trong 2 khả năng này thì rủi ro giá giảm mạnh sẽ ảnh hưởng lớn hơn đến PLX.
- Kế hoạch đầu tư phân phối LNG khả năng sẽ chậm lại do ảnh hưởng dịch
PLX là doanh nghiệp được chọn để đầu tư dự án phân phối LNG. Tuy nhiên, dịch bệnh đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của PLX, do đó khả năng công ty sẽ tập trung nguồn lực để hồi phục hoạt động kinh doanh chính và chậm triển khai các dự án liên quan đến việc phân phối LNG.
Dữ liệu quan trọng
Tình hình kinh doanh trong 9T2020
- Dịch bệnh ảnh hưởng kép đến PLX
PLX trong nhóm các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng kép từ dịch Covid-19 với 2 tác động chính như sau: (1) Việc hạn chế đi lại, đóng cửa ngành hàng không đã ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ xăng dầu; (2) PLX phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá tồn kho do giá xăng dầu giảm mạnh.
Trong Q1/2020 PLX đã phải trích lập dự phòng hơn 1.658 tỷ đồng giảm giá hàng tồn kho, khiến LNTT của PLX lỗ hơn 1.702 tỷ đồng.
- Hồi phục trở lại sau “cách ly xã hội”, PLX trở lại trạng thái bình thường
Từ quý 2 trở đi, hoạt động kinh doanh của PLX đã hồi phục trở lại. Cụ thể quý 2/2020 PLX đã có lãi trở lại, đạt hơn 790 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế với đóng góp lớn từ việc hoàn nhập dự phòng giảm giá tồn kho khi giá dầu hồi phục. Tình hình kinh doanh xăng dầu trong Q2/2020 vẫn chưa thực sự khả quan khi sản lượng tiêu thụ của tháng 4 và tháng 5 chỉ bằng 70 – 80% so với thời điểm trước dịch, sự hồi phục trong tháng 6 đã giúp sản lượng Q2/2020 hồi phục lên mức 85% so với cùng kỳ.
Sản lượng tiêu thụ tiếp tục cả thiện trong Q3/2020 đã giúp kết quả kinh doanh Q3 ghi nhận sự hồi phục tốt trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của PLX. Kênh bán lẻ xăng dầu đã hồi phục về sát mức trước dịch khi chỉ còn giảm 2% so với Q3/2019, giúp LNTT của công ty ghi nhận 1.114 tỷ đồng (-5,2% CK) và xóa hoàn toàn khoản lỗ 1.702 tỷ đồng do ảnh hưởng của dịch.
Kết thúc 9T2020, PLX ghi nhận lãi trước thuế 193 tỷ đồng, phần LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 37 tỷ đồng.
- Hoàn tất bán 13 triệu cổ phiếu quỹ (cpq) và dự kiến bán toàn bộ hơn 75 triệu cpq trong năm 2021
Trong tháng 9/2020, PLX đã hoàn tất bán 13 triệu cổ phiếu quỹ, giảm lượng cổ phiếu quỹ xuống còn hơn 75 triệu cổ phiếu, tương đương 5.8% vốn điều lệ. Nhóm nhà đầu tư JX NIPPON OIL (HN:OIL) & ENERGY VIETNAM CO., LTD đã gia tăng tỷ lệ sở hữu từ 8,64% lên 9,72% (+1,08%) thông qua việc công ty con là ENEOS Corporation mua toàn bộ lượng cpq trên. Sau giao dịch này, trong cơ cấu cổ đông PLX hiện tại, Nhà nước đang nắm giữ 75,9% vốn điều lệ; nhóm nhà đầu tư Nhật Bản JX NIPPON OIL & ENERGY VIETNAM CO., LTD sở hữu 9,72%.
Trong năm 2021, Tập đoàn đặt ra kế hoạch bán toàn bộ số cổ phiếu quỹ còn lại (75 triệu cp) để đáp ứng nhu cầu bổ sung vốn kinh doanh, đầu tư và phát triển của Tập đoàn. Tác động của Covid-19 gây thiếu hụt trong cân đối nguồn vốn kinh doanh của PLX. Đây có thể cũng sẽ là yếu tố thúc đẩy Tập đoàn đẩy nhanh kế hoạch giảm tỷ lệ phần vốn Nhà nước, phù hợp với Quyết định số 908/QĐ-TTg.
Định giá
Chúng tôi thực hiện định giá PLX theo phương pháp so sánh mức P/E và P/B của chính doanh nghiệp trong quá khứ.
- Phương pháp P/E: Do ảnh hưởng Covid-19 nên lợi nhuận PLX đã giảm mạnh trong năm nay, do đó chúng tôi lấy mức P/E tham chiếu của giai đoạn từ 2015 – 2019 làm cơ sở để định giá. Chỉ số P/E giai đoạn 2015 – 2019 của PLX giao động phổ biến trong vùng 13,36 – 27,06. Chỉ số P/E của PLX có xu hướng trở lại vùng trung bình giai đoạn này là 17,02. Đánh giá PLX đang trở lại trạng thái bình thường trước dịch, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận ròng 2021 của PLX sẽ hồi phục trở lại mức 4.208 tỷ đồng (+325% so với 2020), EPS tương ứng 3.252 đ/cp.
- Phương pháp P/B: P/B của PLX đang có xu hướng trở lại mức trung bình 5 năm (giai đoạn 2015 – 2020) tại mức 3,54 lần. Giá trị sổ sách của PLX cuối năm 2020 được dự báo ở mức 18.425 đ/cp.
Kết quả giá trị hợp lý 1 cổ phần PLX sẽ ở mức 60.200 đồng/cp.