Amazon (NASDAQ: AMZN) là một trong hai cổ phiếu nhóm FAANG kết thúc năm 2018 trong sắc xanh. Nhà bán lẻ thương mại điện tử lớn nhất thế giới đã tăng 28,4% trong năm, cũng như Netfilx.
Mặc dù giá giảm mạnh kể từ đầu tháng 10, kết quả hàng năm vẫn rất tuyệt vời, trong khi đó chỉ số đã giảm trong năm ngoái. Các chỉ số S&P 500 và NASDAQ lần lượt giảm 4,4% và 3,9%.
Trong tương lai, mặc dù quý cuối cùng của năm ngoái khó khăn đối với các cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao, là điều dễ hiểu khi các nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu họ có nên tiếp tục ủng hộ công ty có giá trị nhất thế giới theo vốn hoá hay không?
Báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 của Amazon khiến nhiều nhà đầu tư ngạc nhiên khi tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh cốt lõi, bán hàng hóa trực tuyến đã chậm lại theo từng quý trong bốn giai đoạn liên tiếp. Sự suy giảm này khiến nhiều người tự hỏi liệu công ty có đạt đến điểm bão hòa hay không.
Chúng tôi tin rằng hai yếu tố sẽ quyết định liệu động lực tăng trưởng của Amazon có còn nguyên vẹn hay không và vẫn đủ mạnh để phát triển trong thị trường bất lợi này.
1. Mở rộng thương mại điện tử tại Bắc Mỹ
Công ty không thể chịu được điều gì làm giảm doanh số bán hàng trực tuyến của họ. Amazon là nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất ở Bắc Mỹ. Lợi thế cạnh tranh đó rất quan trọng để công ty có thể tiếp tục phát triển với tốc độ làm hài lòng các nhà đầu tư. Chúng tôi không thấy bất kỳ mối đe dọa nào đối với điều đó trong tương lai gần.
Theo nghiên cứu tại eMarketer, doanh số bán lẻ Mỹ của Amazon có thể đạt $258,22 tỷ trong năm 2018.
Công ty, khởi đầu là một cửa hàng sách trực tuyến, hiện đang dẫn đầu trong tất cả các lĩnh vực thương mại điện tử, nhờ mạng lưới Marketplace mạnh mẽ của bên bán thứ ba. Một loạt các mặt hàng ngày càng mở rộng, từ cửa hàng tạp hóa đến thời trang và chương trình khách hàng thân thiết rất phổ biến dưới hình thức Prime.
Thị phần áp đảo này khiến Amazon có sức mạnh to lớn khi cản phá nhiều ngành công nghiệp lâu đời, tạo ra những cơ hội mới. Việc mua lại chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ Whole Food vào giữa năm 2017 là động thái làm rung chuyển cả khu vực bán lẻ truyền thống.
Amazon đã tự mở rộng thành một loạt các lĩnh vực kinh doanh ngày càng đa dạng, từ quảng cáo đến các tiện ích kích hoạt bằng giọng nói đến truyền thông trực tuyến. Trong những quý gần đây, nó cũng đã bắt đầu tập trung mạnh mẽ hơn vào hoạt động kiếm tiền, bên cạnh việc tăng trưởng.
Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro có thể làm gián đoạn quá trình tăng trưởng của Amazon Nếu nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, hoặc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khiến các doanh nghiệp lớn nhỏ phải cắt giảm chi tiêu, Amazon chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Nếu công ty tiếp tục mở rộng ở các ngành công nghiệp khác, nó cũng có thể phải tuân theo nhiều quy định hơn. Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần tấn công Amazon, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông xã hội và trong các cuộc phỏng vấn, cho rằng vị trí thống trị của Amazon hiện nay đang làm tổn thương các nhà bán lẻ Mỹ và dịch vụ bưu chính.
Tuy nhiên, bất chấp những rủi ro này, Amazon vẫn kiếm được rất nhiều tiền. Trong quý gần đây nhất, thu nhập từ hoạt động kinh doanh tăng từ $347 triệu cùng kỳ năm ngoái lên $3,7 tỷ. Và trong giai đoạn chín tháng tính đến ngày 30/9, thu nhập từ hoạt động kinh doanh là $8,6 tỷ - tăng từ $1,9 tỷ trong cùng kỳ năm trước. Trong quý cuối cùng của năm 2018, Amazon dự kiến sẽ báo cáo doanh thu tăng 20% so với một năm trước đó, theo Fact set.
2. Dịch vụ Web Amazon
Một mảng lớn khác đóng góp đáng kể vào tăng trưởng doanh thu của Amazon là dịch vụ web (AWS). Đây là một trong những hoạt động có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất với một vài gương mặt lớn - bao gồm Microsoft (NASDAQ:MSFT), Google (NASDAQ:GOOGL) và IBM (NYSE:IBM) cùng tranh nhau miếng bánh. Hiện tại Amazon đang thống trị với 30% thị phần.
Cho dù đóng góp của mảng dịch vụ web tới doanh số tổng không đặc biệt lớn, tuy nhiên hoạt động điện toán đám mây đang gia tăng tầm quan trọng tới lợi nhuận công ty. Trong giai đoạn 9 tháng kết thúc vào 30/09, thu nhập từ dịch vụ web lên đến 5,1 tỷ USD đóng góp 74% vào thu nhập hoạt động hợp nhất của Amazon.
Tuy nhiên, mảng kinh doanh này đang gặp nhiều cạnh tranh. Trên thực tế tất cả những ông lớn công nghệ đều đang chen chân vào lĩnh vực này.
Một ví dụ tiêu biểu là Microsoft đang nỗ lực chuyển mình thành nhà cung cấp dịch vụ đám mây cho doanh nghiệp muốn lưu trữ dữ liệu hay sử dụng ứng dụng từ trung tâm dữ liệu của Microsoft thay vì đầu tư khoản tiền lớn cho công nghệ tại doanh nghiệp hay chi phí bảo trì.
Trong quý cuối cùng, doanh thu điện toán đám mây thương mại của Microsoft tăng 47% lên 8,5 tỷ USD trong khi biên lợi nhuận tăng 4% lên đến 62%.
Tổng kết
Vị thế dẫn đầu của Amazon trong nhiều mảng họ hoạt động khiến họ trở thành một trong những cổ phiếu công nghệ an toàn nhất. Đương nhiên, tại mức giá đóng phiên ngày hôm qua $1.659,42, đó là con số không hề rẻ. Cần nhớ rằng, mức giá đó đã giảm gần 20% từ đỉnh $2.050,50 trong đầu tháng 9. Như vậy, nhà đầu tư nên thận trọng chọn vị trí khi rủi ro đối với cổ phiếu tăng trưởng đang gia tăng.
Ngoài ra, khi Amazon công bố báo cáo kết quả Q4/2018 vào thứ Năm, ngày 31/1, sau khi thị trường đóng cửa, nếu có dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh doanh AWS của họ chịu áp lực do cạnh tranh, hoặc hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cốt lõi đang gần đạt đỉnh, cổ phiếu sẽ phản ứng rất tiêu cực. Nhưng nếu bạn đang tìm kiếm một khoản đầu tư mua và nắm giữ, Amazon là loại cổ phiếu hấp dẫn sau khi đã giảm gần một phần tư giá trị của nó trong thời gian ngắn như vậy.