Tác động tâm lý từ thông báo cắt giảm sản lượng tự nguyện của Saudi Arabia là chưa đủ để hỗ trợ mạnh cho giá dầu. Giá dầu vẫn đón nhận lực bán chiếm ưu thế trong phiên sáng nay, trong bối cảnh thị trường tập trung nhiều hơn về phía triển vọng nhu cầu.
Nền kinh tế Trung Quốc, động lực chính được kỳ vọng sẽ thúc đẩy giá dầu vẫn đang cho thấy sức sản xuất yếu. Trong khi lo ngại suy thoái tại Mỹ vẫn cản trở đà tăng của giá dầu. Trong ngắn hạn, giá dầu vẫn sẽ đối diện với áp lực này nếu như các dữ liệu của 2 quốc gia không cho thấy sự cải thiện.
Về mặt cung cầu, các đợt cắt giảm từ OPEC+ dự kiến vẫn sẽ có sức tác động làm tăng giá dầu, nhưng ảnh hưởng “bullish” có thể đến muộn hơn.
Báo tháng tháng 5 của Cơ quan Thông tin Năng lượng quốc tế (EIA) dự báo cán cân cung – cầu trên thị trường dầu thô vào quý III rất mong manh khi nguồn cung chỉ vừa đủ đáp ứng nhu cầu ở mức 101,58 triệu thùng/ngày. Đồng nghĩa, thặng dư cung gần như bằng 0. Do cuộc họp OPEC+ kết thúc vào 04/06, nên Báo cáo tháng 6 của EIA được công bố vào tối nay nhiều khả năng sẽ chưa tính đến các tác động cắt giảm từ Saudi Arabia.
Do chưa tính đến tác động từ OPEC+, trong khi bức tranh kinh tế của Trung Quốc khá tiêu cực trong tháng 5, EIA có thể sẽ hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong báo cáo lần này, vì vậy, giá dầu sẽ ít được hỗ trợ từ báo cáo.
Tuy nhiên, thặng dư cung trong 2 quý cuối năm nhiều khả năng vẫn sẽ thấp hơn nhiều so với mức cắt giảm 1 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia trong tháng 7. Do đó, các tác động “bullish” tới giá dầu có thể sẽ được cảm nhận trên thị trường hàng thực kể từ tháng 7. Mặc dù chưa có tác động ngay tới giá trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn, giá dầu vẫn sẽ có động lực tăng giá.